(HQ Online) - Tuy không cùng phân khúc chất lượng, nhưng việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20% đã phần nào tạo lực đẩy khiến giá gạo Việt Nam tăng lên.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo | |
Thuế nhập khẩu gạo xát vào EU là 65 EUR/tấn | |
Xuất khẩu gạo tự tin “về đích” 3,3 tỷ USD |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% xuất khẩu đối với các loại gạo khác đã ngay lập tức tác động lên thị trường lúa gạo thế giới.
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong tuần từ 12/9 - 16/9, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đều tăng.
Theo đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 430 USD/tấn, tăng 12 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo tăng do mưa lớn gây lũ lụt khiến phí vận chuyển nội địa tăng cao. Dự báo giá gạo Thái Lan sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng từ chính sách của Ấn Độ.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 389 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với tuần trước. Giá tăng do ảnh hưởng của chính sách hạn chế xuất khẩu mới của Chính phủ.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ước tính đạt 405 USD/tấn, tăng 14 USD/tấn so với tuần trước. Do ảnh hưởng từ Ấn Độ, giá gạo của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên.
Việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% xuất khẩu đối với các loại gạo khác là do Chính phủ muốn tăng dự trữ cung nội địa trong bối cảnh mưa ít khiến diện tích và sản lượng năm nay giảm.
Ngoài ra, việc hạn chế xuất khẩu cũng sẽ góp phần khiến giá nội địa giảm xuống, giúp người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, có thể tiếp cận đầy đủ lương thực hơn.
Tuy nhiên, thị trường gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã bị sốc, nhiều thương nhân đã không thể ký kết thêm hợp đồng ngay sau khi chính sách được ban hành. Thậm chí ước tính có khoảng 1 triệu tấn gạo đang bị mắc kẹt ở cảng của nước này do nhà nhập khẩu từ chối trả thêm mức thuế xuất khẩu 20% mới được ban hành.
Liên quan tới tác động của việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đến thị trường lúa gạo Việt Nam, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo khô cơm (cấp thấp, tương tự giống IR50404 của Việt Nam), trong khi Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo dẻo, gạo thơm.
Tuy không cùng phân khúc chất lượng, nhưng việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20% đã phần nào tạo lực đẩy khiến giá gạo Việt Nam tăng lên.
Xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ, trong khi doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có nhu cầu lớn nên dự báo giá gạo tấm và phụ phẩm của ngành lúa gạo Việt Nam sẽ được kích thích tăng cao trong thời gian tới.
Liên quan đến việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% xuất khẩu đối với các loại gạo khác, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 6263/VPCP-KTTH ngày 21/9 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tài chính nghiên cứu thông tin trên để theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các bộ. |
Thanh Nguyễn