Ngành dịch vụ logistics có vai trò thiết yếu, là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy việc cắt giảm chi phí logistics là một trong những mục tiêu hàng đầu của mỗi doanh nghiệp (DN) và quốc gia. Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, kèm theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2025: “Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP”. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan. Vì là vấn đề quan trọng và cấp thiết cho nên gần đây (2019 - 2020) Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có các đề tài nghiên cứu cấp Bộ về cắt giảm chi phí logistics quốc gia. Trên cơ sở phân tích về tổng quan và hiện trạng của chi phí logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam đã có các khuyến nghị cụ thể cải thiện hệ thống logistics gắn liền với việc cắt giảm chi phí logistics.

Cấu thành cơ bản của chi phí Logistics qua các nghiên cứu chính thức

Chi phí logistics bao gồm các chi phí liên quan đến vận tải, tồn kho và chi phí quản lý hàng hóa trong dây chuyền cung ứng hàng hóa. Thành phần chính của chi phí logistics được xác định là dịch vụ khách hàng, chi phí tồn kho, vận tải, lưu kho bãi, chi phí hệ thống thông tin, xử lý đơn hàng và chi phí chất lượng lô hàng. Chi phí logistics thay đổi tùy theo từng mặt hàng, từng công ty kinh doanh dịch vụ logistics và từng quốc gia, theo đó cách tính chi phí logistics cũng khác nhau. (1) Hiểu một cách ngắn gọn: “Chi phí logistics là tất cả các chi phí liên quan đến việc dịch chuyển một sản phẩm từ khi nguyên vật liệu đến khi giao hàng cho khách hàng và bất cứ các công đoạn ở giữa.”

Chi phí logistics có chi phí logistics của một doanh nghiệp (DN) nói riêng và chi phí logistics của một quốc gia. Bài viết này chỉ đề cập đến chi phí logistics quốc gia.

Vì Chi phí kết cấu hạ tầng chủ yếu là do Chính phủ đảm nhận cho nên khi tính toán người ta thường loại trừ chi phí này ra khỏi chi phí logistics(2). Tùy theo từng cách tính, tựu chung nhiều quốc gia áp dụng cấu thành chính của chi phí logistics bao gồm: Chi phí vận tải (khoảng 60%), Chi phí tồn kho (khoảng 35%) và Chi phí quản lý (khoảng 5%). 5%).  Ví dụ tỷ lệ chi phí logistics của Mỹ 2018 là 63%, 33% và 4%.

Ở Việt Nam, đến nay có hai Nghiên cứu tính toán công bố chính thức về chi phí logistics bao gồm: Báo cáo cuối kỳ 2014 “Dịch vụ vận tải tư vấn hỗ trợ Bộ GTVT về Phát triển Vận tải đa phương thức” của Công ty tư vấn ALG, Ngân hàng Thế giới (WB); và Niên giám Thống kế Vận tải và Logistics năm 2018 (NGTK 2018) của Bộ GTVT với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) và sự phối hợp với Diễn đàn GTVT quốc tế (ITF) thuộc OECD (Công bố 2020).

Cách tính của Công ty tư vấn ALG

ALG đã dùng phương pháp tính chi phí logistics cụ thể cho 12 chuỗi ngành hàng (Hàng điện tử và linh kiện; Thiết bị điện; Dệt may; Công nghiệp ô tô; Dược phẩm; Rau quả; Giày dép; Hải sản; Gạo; Cà phê; Đồ uống; Nội thất), rồi nội suy ước tính và rút ra kết luận chi phí logistics quốc gia của Việt Nam tương ứng với tất cả các ngành sản xuất giá trị gia tăng trong nước. Chi phí logistics bao gồm: Chi phí vận tải 59% + Cảng phí 1%, Chi phí tồn kho và Chi phí quản lý 40% (lưu kho, bãi: 11%, xếp dỡ hàng hóa: 21% và đóng gói: 8%). Cách tính này phù hợp với cách tính chi phí logistics của nhiều nước, như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… ALG cũng đưa ra con số cụ thể về chi phí logistics chiếm trong giá thành sản phẩm. Hàng điện tử và linh kiện: 1,2%, Thiết bị điện: 3,5%, Dệt may: 9,3%, Ô tô: 2%; Dược phẩm: 0,3%, Rau quả: 29,5%, Giày dép: 11,7%, Hải sản: 12,2%, Gạo: 29,8%, Cà phê: 9,5%, Đồ uống: 19, 8% và Nội thất: 22,8%. Trên cơ sở tính toán đó, ALG rút ra chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP (2014), trong đó chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%, mức chi phí cao so đối với các nước phát triển  ( 3). Hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi lớn.

So sánh chi phí logistics cho 10 trong tổng số 12 ngành hàng được nghiên cứu theo báo cáo của ALG vào 2010 và cập nhật số liệu của 2018 có thể thấy khi cơ cấu ngành hàng đã thay đổi thì chi phí Logistics cũng thay đổi theo, cụ thể chi phí Logistics giảm từ 10,70% xuống còn 8,74% cho 10 ngành hàng (2010 - 2018).

Các thành phần chi phí Logistics Việt Nam năm 2014:


 

                                                                                        Nguồn: ALG report (2014)

 

Cách tính của Niên giám thống kê 2018

NGTK 2018 tính toán trên cơ sở 4 nhóm: Chi phí vận tải và xếp dỡ hàng hóa; Chi phí kho bãi; Chi phí hàng tồn kho; và Chi phí quản lý. Về cơ bản cách tính này giống cách tính của ALG nêu trên. Chỉ có điểm khác là NGTK 2018 tính chi phí logistics trên doanh thu của DN trên toàn quốc, gồm DN sản xuất và DN bán buôn, khác với ALG là tính chi phí trên cơ sở so sánh với GDP. Do đó hai số liệu có khác nhau. Thường cách tính chi phí logistics trên doanh thu của DN thấp hơn cách tính chi phí logistics so sánh với GDP. Chúng ta nên lấy chi phí logististics so sánh với GDP như cách tính của ALG mà hiện nay các nước trên thế giới đang sử dụng để tính toán chi phí logistics qua đó thể hiện trình độ phát triển của ngành dịch vụ logistics nước ta.

Theo NGTK 2018, Chi phí logistics trên Doanh thu của DN sản xuất (manufacturing) năm 2018 là 8,96% và trên Doanh thu của DN bán buôn (whole sale) là 9,77%. Tỷ lệ này chắc chắn là cải thiện so với 2014. Tỷ lệ % của 4 nhóm cấu thành như Hình thể hiện dưới đây. Trong đó chi phí vận chuyển và xếp dỡ chiếm cao nhất (4,80%/8,96% đối với DN sản xuất và 4,75%/9,77% đối với DN bán buôn), tiếp đến là chi phí hàng tồn kho 1,97% và 2,54%; chi phí kho bãi 1,41% và 1,59% và cuối cùng là chi phí quản lý logistics 0,78% và 0,89%.

 

Dựa theo cách tính của ALG, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tính toán trên cơ sở cập nhật các dữ liệu theo khối lượng hàng hóa vận chuyển và khối lượng hàng hóa luân chuyển và công bố trong Sách Trắng - VLA 2018 “Chi phí logistics tương đương với GDP của Việt Nam năm 2017 ở mức 14.5% - 19,2%, ước tính chi phí logistics theo GDP là khoảng 16.8%, tương đương với giá trị khoảng 42 tỷ đô la Mỹ”. So sánh với cách tính của NGTK 2018 trên đây thì con số này là đáng tin cậy.

Bảng dưới đây thể hiện chi phí logistics tính theo GDP của Việt Nam so sánh với một số nước liên quan năm 2020. Ghi chú số liệu của Việt Nam (màu vàng) là theo VLA tính 2018 được thêm vào Bảng so sánh của Armstrong & Asociates 6/3/2020.   

 


                                         

Các nội dung chính cần tập trung cho việc cắt giảm chi phí logistics

Chi phí logistics quốc gia được tính toán trên cơ sở Chi phí vận tải và xếp dỡ hàng hóa, Chi phí hàng tồn kho và Chi phí quản lý. Việc cắt giảm chi phí logistics nước ta tập trung chính vào 3 nhóm này.

Chi phí vận tải và xếp dỡ hàng hóa

Chi phí vận tải và xếp dỡ hàng hóa chiếm khoảng 60% chi phí logistics. Chiếm 1/3 - 2/3 chi phí lưu phân phối. Chi phí vận tải bao gồm chi phí dịch vụ vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí phương tiện và chi phí duy tu bảo dưỡng phương tiện. Báo cáo của ALG đã tính chi phí vận tải 59% và chi phí xếp dỡ 1%.

Chi phí vận tải và xếp dỡ phụ thuộc vào việc lựa chọn phương thức vận chuyển, lựa chọn người vận chuyển và hành trình - lịch trình vận chuyển (5) (Trong phần khuyến nghị sẽ nêu ví dụ rõ về nội dung này). Theo Bộ GTVT, Cơ cấu thị phần vận tải hàng hóa trong nước của Việt Nam năm 2019: Đường bộ 76,8%, đường sắt 0,3%, đường thủy nội địa 18%, hàng hải 4,9% và hàng không 0%(6). Qua đây cho thấy hầu như hàng hóa nội địa được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường thủy nội địa. Như vậy, việc cắt giảm chi phí logistics trong vận tải chủ yếu là vận tải đường bộ và việc kết hợp hiệu quả giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.

Chi phí vận tải còn phụ thuộc vào hệ số sử dụng phương tiện vận tải. Sự mất cân đối về yêu cầu vận chuyển hàng hóa làm cho tỷ lệ xe lượt về có tỷ lệ chạy không hàng cao, từ 50% - 75%. Ngoài ra, các vấn đề quy hoạch đô thị đã hạn chế giao hàng đô thị, trong khi nhu cầu dịch vụ giao hàng chặng cuối đã bùng nổ với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhất trong thời gian Đại dịch Covid-19.

Chi phí xếp dỡ hàng hóa hiện tại còn phụ thuộc nhiều vào trình độ của thiết bị xếp dỡ hàng hóa, nhất là đối với đường thủy nội địa. Đặc biệt đối với cảng biển là việc hãng tàu container nước ngoài thu phụ phí THC rất cao (khoảng 2.645.000 đồng/4.025.000 đồng cho một container 20’/40’) làm cho chi phí logistics tăng cao. 

Chi phí tồn kho

Là một trong những chi phí logistics lớn nhất sau chi phí vận tải và xếp dỡ. Có thể chiếm hơn 20% tổng tài sản của nhà sản xuất và hơn 50% tổng tài sản của người bán buôn và bán lẻ(5). Chi phí tồn kho thường được chia thành 4 nhóm chi phí chính: chi phí vốn cho hàng tồn kho, chi phí dịch vụ tồn kho (bảo hiểm và thuế), chi phí không gian lưu kho và chi phí rủi ro tồn kho (tổn thất và hao hụt - như mất mát, hư hỏng, hết hạn, lỗi thời và tái sắp xếp hàng tồn kho). Chi phí tồn kho được đánh đổi với các chi phí logistics khác như chi phí vận tải, chi phí cho dịch vụ khách hàng... Do vậy chính sách về logistics phù hợp vừa tối thiểu hóa được tổng chi phí vừa duy trì được mục đích phục vụ khách hàng trong sản xuất và lưu thông. Trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh điều đó khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ví dụ điển hình là việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất hàng dệt may.

Chi phí quản lý 

Bao gồm chi phí chi trả cho người làm công cho hoạt động logistics và chi phí thông tin liên lạc. Chi phí quản lý nhân sự gián tiếp, nhân viên hỗ trợ, nhân viên trung tâm phân phối, nhân viên lập kế hoạch và phân tích hàng tồn kho và bộ phận vận chuyển.

(Phần 2: Khuyến nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí logistics)

Theo: VLA (Lê Duy Hiệp, Đào Trọng Khoa, Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Tương)

Tin nổi bật