Cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vận tải có được bước đệm để tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần hai đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn.
Một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì Covid-19. Đây là lúc họ cần sự “tiếp sức” của Nhà nước hơn lúc nào hết. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vận tải có được bước đệm để tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi.
Về phía Tổng cục Đường bộ VN, thời gian qua tổng cục đã kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại.
Bên canh đó, đã tiếp thu, thống kê những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị vận tải, bến xe đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tổng cục đã tham mưu cho Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 112/2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Thông tư số 74/2000 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ, trong đó xe ôtô kinh doanh vận tải khách được giảm 30%, xe ôtô tải kinh doanh vận tải được giảm 10%.
Bên cạnh đó, tổng cục cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT hỗ trợ các phương tiện mua vé tháng, vé quý bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Dự báo thời gian tới sẽ còn rất khó khăn. Tuy nhiên, Bộ GTVT không thể giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp về thuế, phí. Chúng tôi sẽ tiếp thu và tham mưu cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải.
Tổng cục Đường bộ VN cũng vừa đề xuất với Bộ GTVT nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung. Theo đó, tổng cục kiến nghị Bộ GTVT có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay.
Cụ thể như, giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi (trong số này Nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%), áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng...
Ngoài ra, tổng cục cũng kiến nghị cần tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ đơn vị vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như đối với chính sách cho vay mới để đơn vị trả lương cho người lao động với lãi suất 0%. Tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi không quá 6%/năm trong năm 2021 và không quá 9%/năm trong năm 2022.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư 112/2020 đến hết ngày 31/12/2021; Thông tư 74/2020 đến hết ngày 31/12/2021; Tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến 31/12/2021.
Các chủ đầu tư miễn, giảm phí BOT trong thời gian có dịch và xem xét chuyển phí sử dụng đường bộ đã mua vé tháng cho ô tô qua trạm thu phí nhưng do dịch bệnh nên không được hoạt động sang tháng sau.
VITIC tổng hợp
Link gốc