(TBKTSG) - Ngày 16-9-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các đại sứ Hà Lan, Bỉ và các nhà đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) đang bày tỏ mong muốn đầu tư vào dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là buổi làm việc phát ra nhiều tín hiệu quan trọng.
Chuyển động tích cực
Hiện nay, cụm cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) ở Bà Rịa - Vũng Tàu mặc dù là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và là cụm cảng container có sản lượng thông quan cao thứ nhì cả nước (sau cảng TPHCM) nhưng các hoạt động logistics liên quan đến hàng container tại đây vẫn chưa được phát triển xứng tầm.
Các cảng tại CM-TV chủ yếu cung cấp dịch vụ xếp dỡ container qua cầu tàu, còn các dịch vụ giá trị gia tăng khác như lưu trữ hàng hóa, dán nhãn, lắp ráp, đóng gói, phân phối, dịch vụ khai thuế hải quan... chủ yếu được các chủ hàng xuất nhập khẩu sử dụng tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, là khu vực có các cảng biển, ICD cùng nhiều trung tâm logistics.
CM-TV dù có kết nối tiền phương rất tốt khi kết nối với các cảng lớn trên toàn thế giới, nhưng lại có kết nối với vùng hậu phương chưa hiệu quả, một phần vì thiếu những trung tâm logistics như ở các tỉnh thành lân cận.
Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới được công bố cách đây sáu năm, các tác giả ghi nhận rằng tại Việt Nam, các trung tâm logistics tập trung vẫn còn thiếu và các trung tâm hiện có thì cũng chưa được phân bổ vị trí hợp lý(1). Cho đến nay, dù đã có thêm nhiều trung tâm logistics với quy mô khác nhau được phát triển ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng ở Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa có một trung tâm logistics nào.
Cái Mép - Thị Vải dù có kết nối tiền phương rất tốt khi kết nối với các cảng lớn trên toàn thế giới, nhưng lại có kết nối với vùng hậu phương chưa hiệu quả, một phần vì thiếu những trung tâm logistics như ở các tỉnh thành lân cận. |
Với quy mô đang được quy hoạch (trên 1.000 héc ta, vốn đầu tư lên đến 984 triệu đô la Mỹ), có bến cảng cùng hệ thống bến sà lan riêng, gần kề với các cảng container hiện hữu, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ được kỳ vọng sẽ nâng tầm cho cụm cảng CM-TV, tăng lượng hàng thông quan trực tiếp tại CM-TV và qua đó giúp các cảng biển có thể đón được nhiều tàu hơn.
Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ cũng là một dự án nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, lần lượt các liên danh Geleximco - ITC và Hateco Logistics - Besix - Royal Boskalis đã làm việc với Chính phủ và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc triển khai dự án. Với cam kết đầu tư của các doanh nghiệp đến từ EU, hy vọng dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ và sớm đi vào hoạt động.
Cần ưu tiên nguồn lực cho CM-TV
Một nội dung cũng rất quan trọng được các Đại sứ và các doanh nghiệp EU đề cập là họ muốn phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trở thành cửa ngõ để xuất khẩu nông sản từ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sang các quốc gia thuộc châu Âu.
Đại sứ Hà Lan cho rằng dự án này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương lâu đời giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển đường thủy nội địa ở ĐBSCL. Như vậy, một trong những mục tiêu của dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là hướng đến việc thúc đẩy giao thông đường thủy nội địa tại Việt Nam, một phương thức vận tải mà Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng Việt Nam cần tập trung phát triển.
Đây là một mục tiêu rất hợp lý, bởi hiện nay hai cảng TCIT và TCTT ở CM-TV đang là các bến cảng container duy nhất của Việt Nam đón được các tuyến dịch vụ đi châu Âu, các liên minh hãng tàu cũng đã nghiên cứu và đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải để đưa các tàu đến 199.000 DWT vào cập CM-TV, đây là cỡ tàu chủ yếu chạy các tuyến đi châu Âu.
Việc có Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ giúp cho các nhà xuất khẩu có thêm lựa chọn về lưu trữ hàng hóa, đóng gói, phân loại, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu đi các thị trường như châu Âu và Mỹ.
Hiện nay, thị trường vận tải sà lan với các nhà cung cấp như Giang Nam, ITC Logistics, Tân Cảng Sài Gòn, Phước Tạo, Transimex... cũng đang là một thị trường sôi động, các doanh nghiệp liên tục đóng mới sà lan để tận dụng triệt để hệ thống đường sông thuận lợi ở khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL. Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với bến sà lan riêng sẽ góp phần thúc đẩy cho lĩnh vực vận tải thủy nội địa phát triển.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải lại đang có chủ trương bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam một dự án cảng nước sâu tại Trần Đề, Sóc Trăng với dự kiến tổng mức đầu tư xấp xỉ 115.000 tỉ đồng, mục đích phục vụ cho hàng hóa xuất khẩu của các tỉnh ĐBSCL và nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện. Đây đang là một dự án gây nhiều tranh luận.
Trao đổi với người viết, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho rằng một dự án tốn kém như vậy, cho dù có được triển khai bằng vốn tư nhân thì cũng gây ra sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Ông cho rằng Việt Nam chỉ cần hai cụm cảng nước sâu quy mô lớn là Lạch Huyện và CM-TV và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với hai cảng này là đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả nước. Với sự quan tâm đến Cái Mép Hạ, thì các doanh nghiệp châu Âu đang đồng thuận với nhận định của ông Tomaso Andreatta.
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, chúng ta cần tập trung nguồn lực cho các dự án thực sự rõ ràng và có sự đồng thuận cao từ phía các doanh nghiệp. CM-TV đang cần thêm nhiều nguồn lực để tiếp tục nạo vét luồng, cải thiện tính kết nối, xây dựng trung tâm logistics và cả các bến cảng mới. Nếu cần rót vốn cải thiện hạ tầng ở ĐBSCL để phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, chúng ta có thể tập trung vào mạng lưới đường thủy nội địa, mạng lưới mà theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới là hiện đang trong tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng (2).
Link gốc bài viết: https://www.thesaigontimes.vn/308579/can-som-co-trung-tam-logistics-cai-mep-ha.html