Chiều nay (29/05), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thủy nội địa năm 2020 dưới sự chủ trì của ông Bùi Thiên Thu – Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải thủy nội địa, tiến tới xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg.Thời gian qua, Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có những công tác quản lý, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đồng thời tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,...

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản đề nghị các hiệp hội, hội chuyên ngành và các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa phối hợp đề xuất các giải pháp thúc đẩy vận tải thủy, vận tải ven biển. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nhận được 81 kiến nghị, đề xuất. Trong đó, có 7 nhóm giải pháp được đề xuất, kiến nghị bao gồm các giải pháp về (1) thuế, (2) phí, (3) giá và nguồn vốn, (4) cơ sở hạ tầng, (5) quy hoạch, (6) cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, (7) các kiến nghị khác.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Minh – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết: “Ngoài các kiến nghị gửi đến Cục Đường thủy nội địa bằng văn bản, chúng tôi có thêm một số kiến nghị nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, phát triển vận tải thủy nội địa. Đầu tiên, cần thiết lập tĩnh không thông thuyền và phân luồng các tuyến Bắc Ninh - Hải Phòng, Đồng bằng sông Cửu Long lên Hồ Chí Minh. Khu vực chợ Gạo (Cần Thơ) cũng cần tiến hành nạo vét, tĩnh không thông thuyền, tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng. Chú trọng công tác đào tạo thuyền viên điều khiển các phương tiện đường thủy nội địa, đảm bảo an toàn. Cuối cùng là kế hoạch di dời sang cảng trung chuyển - ICD Long Bình. Hàng năm, lượng hàng trung chuyển qua khu vực này là rất lớn nhưng ICD Long Bình vẫn chưa sẵn sàng, mong phía Cục Đường thủy nội địa có sự quan tâm đến khu vực này ".

Ông Minh chia sẻ thêm, Hiệp hội VLA rất hoan nghênh và ủng hộ việc phát triển vận tải thủy nội địa, thay đổi cơ cấu các loại hình vận tải như định hướng của Bộ GTVT đề ra là đến năm 2025, vận tải thủy nội địa chiếm khoảng trên 30% trong tổng cơ cấu vận tải của Việt Nam.

Vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển là một trong những thế mạnh của nước ta. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường thủy nội địa bổ sung, sửa đổi năm 2014 đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập so với nhu cầu phát triển của giao thông thủy nội địa hiện nay. Hội nghị chính là cơ hội để các hiệp hội, doanh nghiệp phát thảo ra bức tranh tổng quát nhất các vấn đề liên quan đến vận tải thủy nội địa. Để từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kịp thời ghi nhận những phản ánh, nghiên cứu, đề xuất ra các giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa Việt Nam tương xứng với tiềm năng hiện có.

Box thông tin: Hiệp hội VLA gửi đến Hội nghị 4 giải pháp bao gồm: Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Vận tải đường thủy nội địa; Kịp thời bổ sung khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu; Tập trung đầu tư phát triển các ICD/cảng thủy nội địa; Xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa vận tải thủy nội địa và vận tải biển cả về luật pháp điều chỉnh và phân công vận chuyển, kết hợp với vận tải sông pha biển một cách hiệu quả.

Nguồn: VLR

Tin nổi bật