Trên cơ sở phân tích về tổng quan và hiện trạng của chi phí logistics nước ta trên đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam có các khuyến nghị cụ thể cải thiện hệ thống logistics gắn liền với việc cắt giảm chi phí logistics.

Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng logistics (hạ tầng cứng và hạ tầng mềm), tập trung vào lĩnh vực vận tải và vùng kinh tế trọng điểm, qua đó góp phần giảm chi phí logistics một cách căn cơ.

Xây dựng thêm các cảng biển nước sâu phục vụ cho chuyên chở hàng hóa nội vùng châu Á, Đông Bắc Á và Châu Âu, Châu Mỹ. Hiện tổng công suất của hệ thống cảng biển Việt Nam khoảng 550 triệu tấn hàng hóa/năm, trong khi đó hàng hóa thông qua cảng biển năm 2019 là 655 triệu tấn, trong đó hàng container là 19,346 triệu TEU, mức tăng trung bình năm là từ 10% - 14%. Nhiều tàu phải làm hàng ngoài phao. Khi thực hiện đầy đủ cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới - đặc biệt là EVFTA, CPTPP và RCEPT, hàng hóa thông qua cảng biển sẽ tăng nhanh. Đặc biệt là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long - nơi tập trung XK lúa gạo, thủy sản, trái cây của cả nước - cần sớm có luồng tàu và cảng có thể cho tàu trọng tải 20.000 DWT trở lên vào ra chở hàng thường xuyên.

Đẩy nhanh việc phát triển đường cao tốc Bắc - Nam, qua đó rút ngắn thời gian vận chuyển Bắc - Nam. Phát triển và cải thiện giao thông kết nối Đồng bằng Sông Cửu Long - TP. HCM-  Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là kết nối với Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và cảng nước sâu. Hiện nay, Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có khoảng 40km đường cao tốc trong tổng số khoảng 1.000km của cả nước

Đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và cải thiện các tuyến đường thủy nội địa, tập trung vào cảng và phương tiện xếp dỡ. Sử dụng hai phương thức này hỗ trợ việc chuyển đổi các phương thức vận tải, chuyển từ vận tải đường bộ. Phát huy tác dụng của vận chuyển đường sắt, vận chuyển hàng hóa quả tươi XK qua Trung Quốc thay cho đường bộ, cắt giảm được thủ tục tại biên giới và cước vận chuyển so với đường bộ.

Phát triển các Trung tâm dịch vụ logistics phục vụ cho phát triển kinh tế và XNK vùng, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, TP. Hồ Chi Minh và Hải Phòng. Đi đôi với phát triển các Trung tâm logistics vùng là xây dựng các ICD khu vực có quy mô lớn, gần cảng biển. Ví dụ như hình thức ICD Long Biên, Hà Nội, có tổng diện tích 120.000m2, công suất khai thác 123.000 TEUs, được quy hoạch khoa học và trang bị hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, hoạt động 24/7, phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường biển và đường không. ICD Long Biên dễ dàng kết nối các tỉnh thành phía Bắc, là nơi thông quan, điểm trung chuyển và phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới với Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Camphuchia… Hàng khi cập cảng Hải Phòng sẽ được kéo thẳng về ICD Long Biên mới mở tờ khai, doanh nghiệp không phải đến cửa khẩu nhận/lấy hàng, tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí logistics.

Phát triển một trung tâm logistics cho đồng bằng Sông Cửu Long ở TP. Cần Thơ, sẽ tập trung được hàng hóa đủ cho việc vận chuyển hàng hóa XK, tận dụng được phương tiện chuyên chở. Ở đây ngoài yêu cầu một trung tâm logistics thực sự, cần có phương tiện chiếu xạ (để không phải vận chuyển hoa quả về TP. HCM chiếu xạ gây tổn thất và tăng chi phí), kiểm tra chuyên ngành… để không phải dỡ hàng lên xuông nhiều lần tránh tổn thất sau thu hoạch và tiết kiệm thời gian, chi phí logistics. Tận dụng sân bay Cần Thơ chuyên chở hàng hóa đông lạnh, rau quả tươi xuất khẩu hoặc tiêu dùng nội địa trực tiếp hoặc thông qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất để đi tiếp. Qua đó sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch đưa đến chi phí logistics hàng nông sản sẽ giảm tối đa.

Tập trung đầu tư phát triển kho bãi đông lạnh và chuỗi cung ứng lạnh phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu hàng thủy sản, nông sản, rau quả. Hiện tại, cả nước mới có 48 kho lạnh với công suất khoảng 600.000 pallets, trong đó miền Nam có 36 kho, miền Bắc có 11 kho và miền Trung chỉ có 1 kho lạnh. Cả nước cũng mới có hơn 700 xe lạnh và 450 toa xe lửa chuyên chở container chở hàng lạnh. Chuỗi cung ứng lạnh mang lại lợi ích thiết thực trong giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí logistics, gia tăng hiệu quả, giảm tổn thất cho các chuỗi cung ứng hàng hóa dễ hư hỏng - tỷ lệ tổn thất trung bình hiện nay là còn cao; đối với trái cây và rau quả, mức độ tổn thất có thể lên đến 35%, 45% và khoảng 25-30%, đối với các sản phẩm thủy, hải sản. Tuy nhiên, quy hoạch kho lạnh chưa đồng bộ trong cả nước, chưa đáp ứng được yêu cầu, mới đáp ứng từ 30% - 35% yêu cầu. Hệ thống kho lạnh mới tập trung vào phục vụ XNK là chính, bên cạnh phục vụ thị trường nội địa.

Phát triển và sử dụng hiệu quả kho lạnh ngoại quan, giảm chi phí logistics cho hàng XNK. Đây là một hoạt động logistics cần được quan tâm đầu tư phát triển cả kết cấu hạ tầng và quy chế pháp luật điều chỉnh. Các DN cung cấp dịch vụ logistics trong nước và nước ngoài rất quan tâm sử dụng kho lạnh và kho lạnh ngoại quan và mong được tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách. Trước hết là chính sách về giá điện cho kho lạnh. Hiện nay, giá điện cho kho lạnh của các DN logistics cao hơn giá điện cho sản xuất hàng đông lạnh từ 25% - 30% trong khi chi phí điện năng cho kho lạnh chiếm từ 30% - 35% giá thành sản xuất của kho lạnh, qua đó làm cho chi phí logistics hàng đông lạnh XNK và tiêu dùng nội địa đang ở mức cao, cần giảm giá điện để cắt giảm chi phí logistics.

Tăng cường việc chuyển đổi số trong các hoạt động logistics (hạ tầng mềm), ứng dụng công nghệ block-chain, trí tuệ nhân tạo... thực hiện e-DO và e-B/L, hệ thống quản lý vận tải, cảng biển... Phát triển một nền tảng trục để kết nối các ứng dụng công nghệ có sẵn nhằm phục vụ chung cho cả cộng đồng cung cấp dịch vụ logistics và cộng đồng chủ hàng (sản xuất và xuất nhập khẩu) mà trước mắt là các hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và Hiệp hội Nông nghiệp số. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục lan tỏa đến các DN của Hiệp hội ngành nghề khác tham gia. Ứng dụng thành công công nghệ số sẽ hỗ trợ rất lớn việc cắt giảm chi phí logistics, nhất là phát triển Agro-logistics của Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác giữa các DN chủ hàng (nhà Sản xuất, XNK, bán buôn) và DN cung cấp dịch vụ logistics, trong việc lựa chọn phương thức vận chuyển, lựa chọn người vận chuyển và hành trình - lịch trình vận chuyển, trong việc kết hợp hiệu quả giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, nhằm giảm chi phí logistics một cách chủ động.

Thay đổi phương thức mua bán hàng hóa XNK: Hiện nay, khoảng 91% hàng hóa xuất khẩu của nước ta theo điều kiện FOB và nhập khẩu theo điều kiện CIF. Các dịch vụ về vận chuyển đối ngoại, bảo hiểm... đều do khách hàng nước ngoài đảm nhiệm và quyết định. Họ có mối liên hệ mật thiết với các DN cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia thâu tóm và quyết định các hoạt động và chi phí logistics. Trên giác độ Nhà nước, chúng ta không thu được nguồn ngoại tệ từ việc cung cấp các dịch vụ logistics đó, bên cạnh đó các DN XNK của Việt Nam không nắm được quyền chủ động về thuê tàu, mua bảo hiểm. Vì vậy, các DN sản xuất và XNK nên chủ động chuyển đổi hình thức mua bán phù hợp. Trên cơ sở đó các DN cung cấp dịch vụ logistics có thể tư vấn việc chọn phương thức vận chuyển, hãng vận chuyển, đàm phán giá cước vận chuyển... do có mối quan hệ tốt với họ, góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh của DN XNK do việc giảm chi phí logistics lâu dài.

Có sự phối hợp, hợp tác giữa chủ hàng và DN cung cấp dịch vụ logistics: các DN cung cấp dịch vụ logistics có thể đưa ra các đề nghị giảm chi phí logistics cho DN sản xuất, XNK và lưu thông phân phối. Xin nêu một ví dụ: Theo một báo cáo tại Hội nghị Cắt giảm chi phí Logistics- Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt vào ngày 09/07/2020 thì: Giá cước một container lạnh 40’ từ TPHCM ra Hà Nội bằng đường bộ khoảng 80,000,000 triệu VND thời gian khoảng 3 ngày. Trong khi đó Công ty vận chuyển đuờng sắt Ratraco, một hội viên của VLA, cung cấp dịch vụ chuyên chở hàng container lạnh 40’, mỗi tuần 2 chuyến (Thứ 4 và Chủ Nhật), giá cước khoảng 27,000,000 triệu VND /container hoa quả và các loại hàng để nhiệt độ mát, chạy từ Ga Trảng Bom- Đồng Nai đi Yên Viên, mỗi chuyến từ 19-20 Containers lạnh 40’. Thời gian chạy tàu 3 ngày. Trong khi đó nếu đi bằng đường biển ra Hà Nội là 14,300.000 triệu VND /Container lạnh 40’ (Giá cước là 8.0 triêu đồng/cont 40 lạnh 40’ từ Cảng Saigon ra đến Cảng Hải Phòng, cộng 4.5 triêu, chuyên chở bằng đường bộ (Trucking) từ Hải Phòng lên Hà Nội và 1.8 triêu cộng cả xếp/dỡ hàng), thời gian vận chuyển 4 ngày.

Việc vận chuyển bằng phương thức vận tải biển và đường sắt ngoài việc giúp giảm đáng kể chi phí logistics còn góp phần giảm tải và an toàn giao thông đường bộ.

Cải thiện vận tải hàng hóa bằng đường bộ hai chiều, cải thiện vận tải đô thị.

Thị trường vận tải đường bộ, logistics còn chưa minh bạch, thiếu thông tin, giá cước vận tải cao do đơn vị chủ phương tiện không trực tiếp làm việc với chủ hàng mà phải thông qua nhiều khâu trung gian, môi giới làm hiệu quả khai thác thấp và hệ số chạy rỗng cao. Tính kết nối giữa chủ hàng và chủ phương tiện vận tải, các nhà cung cấp dịch vụ logistics chưa tốt cho nên chưa kết hợp được phương thức vận tải tối ưu làm hạ chi phí logistics. Để tận dụng nguồn hàng đi hai chiều phải thiết lập được một sàn giao dịch uy tín do cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp điều hành và kiểm tra các nhà xe uy tín mới cho phép được lên sàn, hoặc một công ty cộng đồng điều hành.

Cơ quan chức năng cần xem xét lại đối với các trạm thu phí BOT có chi phí còn khá cao, các trạm lại rất gần nhau trên một cung đường ngắn; Nghiên cứu giảm bớt số lượng trạm BOT và giảm bớt chi phí cho từng trạm để tránh đội chi phí của doanh nghiệp lên nhiều lần. Hoàn thiện việc thu phí điện tử nhằm giảm ùn tắc và tiết kiệm thời gian lưu thông.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện tại và các quy định của thành phố lớn về việc xe tải lớn chở hàng hóa được phép vào thành phố theo giờ quy định làm ảnh hưởng đến lưu lượng và thời gian đình trệ trong vận chuyển, làm tăng chi phí hoạt động cho các DN vận chuyển logistics. Điển hình là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Để giải quyết vấn đề này, các thành phố, nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nên xem xét việc thành lập các khu trung chuyển, giao nhận hàng hóa ở gần nội

Giảm phí và phụ phí đường biển

Bên cạnh việc giảm chi phí đường bộ,việc cắt giảm phí và phụ phí vận tải đường biển có ý nghĩa rất lớn trong việc cắt giảm chi phí logistics của cả nước vì trên 90% hàng hóa XNK của nước ta là đi bằng đường biển.

Hiện tại, các hãng tàu vận chuyển container nước ngoài đang áp đặt việc thu phí và phụ phí rất cao tại các cảng biển Việt Nam đối với hàng hóa XNK ngoài tiền cước vận chuyển. Đây là gánh nặng làm gia tăng cao chi phí logistics đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Cũng như cước vận tải biển, mức phí và phụ phí các hãng tàu container nước ngoài thu chỉ chênh lệch đôi chút giữa các hãng vận chuyển.

Các hãng tàu container nước ngoài đang thu phụ phí THC cao nhưng chỉ trả lại cho cảng ở mức chỉ bằng 30% - 45% mức thu từ các khách hàng XNK. Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải biển và giá cần đẩy mạnh việc quản lý các hãng tàu container nước ngoài không được tăng thu phụ phí THC và các phụ phí khác, thể hiện công cụ quản lý Nhà nước là yếu tố quan trọng nhằm góp phần cắt giảm chi phí logistics quốc gia.      

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực logistics, phát triển dịch vụ logicstics trên nền tảng công nghệ số.

Theo khảo sát năm 2018 của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logisitics Việt nam (VLA), mức độ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam còn chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các doanh nghiệp Logistics là các ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử và khai báo hải quan (được ứng dụng nhiều nhất 75% - 100%). Chưa có nhiều doanh nghiêp ứng dụng các giải pháp có tích tích hợp cao. Nhưng các DN lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả của dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan, như:

+ Cảng điện tử ePort và Lệnh giao hàng điện tử eDO tại Tân Cảng Sài Gòn: Cảng điện tử ePort giúp khách hàng của Cảng và hãng tàu tiết giảm các công đoạn di chuyển, nhận lệnh, quản lý giấy tờ thủ công, điện tử hóa quy trình làm việc, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, chứng từ giao nhận cũng như thanh toán, giảm ách tắc giao thông khi sản lượng hàng hóa giao nhận tăng cao, đồng thời giảm 2/3 số lượng nhân viên tại khu thủ tục. Tính đến ngày 25/6, hầu hết các hãng tàu đã thực hiện lệnh giao hàng điện tử eDO với Cảng, chiếm tỷ lệ ~ 100% tổng số lệnh giao hàng trong toàn hệ thống cảng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

+ Ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics (Cargowise): Cargowise là giải pháp công nghệ tổng thể toàn diện, và được đánh giá là hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay cho các doanh nghiệp logistics. Hiện tại giải pháp này đang được sử dụng bởi hơn 12.000 doanh nghiệp trên 150 nước với hơn 30 ngôn ngữ, trong đó có 25/25 công ty giao nhận và 40/50 công ty logistics lớn nhất thế giới (theo xếp hạng của Armstrong Associates tháng 10-2019). Chỉ cần duy nhất giải pháp này, toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm mảng cung cấp dich vụ logistics như: giao nhận (forwarding), hải quan, hãng tàu, đại lý, CFS, kho bãi, vận tải, chuyển phát và thương mại điện tử, tuân thủ địa lý, theo dõi định vị, và các bộ phận, phòng ban chức năng khác nhau như kinh doanh, quản lý quan hệ khách hàng CRM, quản lý giá (Pricing), kế toán, nhân sự, quy trình làm việc, chứng từ (Document), eDocs... đều được xử lý và quản lý tập trung trên nền tảng điện toán đám mây)...  Giải pháp đáp ứng những yêu cầu tuân thủ trong vận tải quốc tế như khai báo AMS/ACI/AFR (Mỹ/Canada/Nhật Bản), … Cargowise cũng sẵn sàng cho việc tích hợp với phần mềm e-invoice của bên thứ 3, vì vậy khi việc phát hành hóa đơn điện tử đang sắp trở thành yêu cầu bắt buộc từ 1/11/2020, doanh nghiệp sử dụng giải pháp không cần phải nhập lại dữ liệu cho việc phát hanh hóa đơn điện tử. Thống kê chung cho thấy doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đến 15% - 20% nhân lực thông qua việc ứng dụng giải pháp tổng thể này. Quan trọng hơn cả, giải pháp giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics cải thiện, kiểm soát tốt dịch vụ của mình, sẵn sàng cho việc gia nhập chuỗi cung toàn cầu, giảm chi phí logistics đáng kể.

+ Hiệp hội Doanh nghiệp VLA và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) sẽ thành lập một công ty cộng đồng để phát triển một Nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics để phục vụ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của VIDA trong kinh doanh hàng ngày. Nền tảng này sẽ ứng dụng công nghệ Block-chain và các công nghệ khác. Sản phẩm trước tiên là E-DO cho hàng lẻ đóng trong container chung chủ và e-Bill of Lading…

Cải cách thủ tục hành chính liên, tạo thuận lợi hóa cho thương mại

Hiện tại, các Bộ, ngành đã có những chuyển biến tích cực để thực hiện dịch vụ kiểm tra chuyên ngành (KTCN) theo hướng điện tử hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Tuy nhiên, hiện tại các dịch vụ KTCN của các Bộ, ngành chưa kết nối với nhau, chưa kết nối tự động với cơ quan Hải quan. Khi có kết qua KTCN, DN vẫn phải in tờ kết quả hoặc thông báo cho Hải quan biết lô hàng KTCN đã có kết quả lúc đó Hải quan mới thông quan. Ngoài ra, đại lý Hải quan vẫn chưa được thay mặt chủ hàng để ký các văn bản kiểm tra chuyên ngành. Tồn tại lớn nhất hiện nay là DN mất nhiều thời gian và chi phí kiểm tra chuyên ngành còn cao. Chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCN, chưa có quy định công nhận kết quả kiểm tra của các nước xuất khẩu (kể cả xuất xứ từ các nước có trình độ sản xuất tiên tiến như Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada) dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.

Vì vậy, đề nghị cần khẩn trương việc rà soát quy định pháp luật liên quan danh mục hàng hóa phải KTCN; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan sang giai đoạn sau thông quan; nhanh chóng sửa đổi các văn bản pháp luật còn vướng mắc, bất cập, không tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Thực hiện KTCN về kiểm dịch trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Công nhận và chấp nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tiến hành xã hội hóa KTCN, hình thành các cơ quan, tổ chức có chức năng KTCN tất cả các lĩnh vực tại các cửa khẩu lớn, có lưu lượng hàng hóa XNK nhiều để tránh tình trạng một mặt hàng phải qua nhiều cơ quan KTCN.

Thực hiện các đề án tạo thuận lợi thương mại trên cả nước, như đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái” là một trong những minh chứng về hiệu quả của việc cải tiến các qui trình, thủ tục hành chính sẽ mang lại lợi ích to lớn và giúp phần cắt giảm chi phí logistics một cách đáng kể và cần tiếp tục phát triển ở các hoạt động khác. Điểm nổi bật của đề án là hàng hóa được thông quan ngay tại cầu cảng, hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa XNK từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận. Việc triển khai đề án sẽ giảm rất lớn các chi phí trong hoạt động logistics (10).

Các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ GTVT cần công bố chính thức chi phí logistics của Việt Nam hàng năm, làm công cụ giúp cho công tác quản lý và phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung. Qua đó cũng giúp cho dư luận xã hội có cái nhìn đúng về chi phí logistics của Việt Nam. Ở Mỹ, hàng năm chi phí logistics quốc gia được công bố trong Báo cáo về Logistics của Chính phủ Mỹ.

KINH NGHIỆM CỦA SINGAPORE TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN VÀ CẮT GIẢM DỊCH VỤ LOGISTICS

Vai trò của Chính phủ Singapore là một trong những yếu tố quan trọng để ngành dịch vụ logistics Singapore phát triển như hiện nay. Chính phủ đã chủ động đề ra và thực thi chiến lược phát triển hệ thống cảng biển, cảng hàng không và trung tâm Logistics, tự do hóa thương mại, tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải qua biên giới. Như:

- Tập trung và ưu tiên đầu tư vào phát triển các công trình kết cấu hạ tầng Logistics đầy đủ và hiện đại về cảng biển, cảng hàng không, hệ thống đường cao tốc, các trung tâm Logistics hàng không, đường biển, trở thành trung tâm quốc tế về hàng không, hàng hải và logistics của thế giới.

- Cam kết của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho lĩnh vực Logistics. Đưa ra các cam kết như ưu đãi thuế cho các công ty tàu biển quốc tế; miễn thuế thu nhập từ tàu biển trong 10 năm; hưởng tỷ lệ thuế ưu đãi nhỏ hơn 10% trên mức tăng doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ trong 5 năm và cho vay ưu đãi với việc phát triển đội tàu biển.

- Ứng dụng hệ thống CNTT hiện đại từ cho các hoạt động logistics, như thủ tục trực tiếp cho việc tàu ra vào cảng, xử lý xếp dỡ, chuyển tải hàng hóa, lưu trữ hàng hóa và kết nối với quốc tế.

- Khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các công ty lớn nước ngoài để thiết lập hệ thống Logistics toàn cầu, khuyến khích các công ty đa quốc gia và các nhà cung ứng dịch vụ Logistics quốc tế đặt trụ sở tại nước mình, hỗ trợ các Công ty logistics thiết lập quan hệ và hệ thống thương mại và logistics ở nước ngoài, như VISIP ở Việt Nam. Có chính sách khuyến khich cụ thể đối với các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài trong lĩnh vực thương mại, vận tải và logistics.

- Đi đôi với ứng dụng công nghệ cao là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vận tải và logistics. Tổ chức các hoạt động như cấp học bổng và tài trợ nghiên cứu Logistics cho sinh viên, thành lập học viện Logistics châu Á - Thái Bình Dương và phát triển học viện này thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực Logistics hàng đầu châu Á, thành lập viện nghiên cứu Logistics Singapore nhằm phát triển chiến lược và chương trình đào tạo Logistics. Chính phủ giành ra 4,5 triệu Singapore đô la cho việc đào tạo nguồn nhân lực logistics trong 5 năm.

Từ những bài học kinh nghiệm trên, có thể rút ra những bài học cho sự phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam và cắt giảm chi phí logistics như sau: - Xây dựng một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, minh bạch và được thực thi có hiệu quả. -Phát triển kết cấu hạ tầng logistics cứng và mềm, ứng dụng công nghệ cao. - Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. – Thúc đẩy hợp tác và đầu tư trong và ngoài nước. - Cải cách thủ tục hành chính và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với ngành dịch vụ Logistics, cả xã hội tham gia vào việc phát triển dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy mà Singapore là một trong những nước có chỉ số hoạt động logistics LPI hàng đầu thế giới, chi phí logistics so sánh với GDP năm 2020 8,5%.

Theo VLA (Lê Duy Hiệp, Đào Trọng Khoa, Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Tương)

Tin nổi bật