Hiện nay, Lệnh giao hàng điện tử (eDO) không còn là một khái niệm quá mới mẻ với các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Với những lợi ích như: tiết kiệm thời gian, lao động và đặc biệt tránh được nhiều rủi ro trong việc giao nhận và kiểm soát giao dịch,... Nhiều doanh nghiệp logistics đã áp dụng eDO thay cho các lệnh giao hàng bằng giấy theo phương thức truyền thống.

Các lợi ích khi áp dụng EDO

Đối với cơ quan quản lý, hải quan

Việc áp dụng eDO giúp công tác quản lý, giám sát, điều tra hiệu quả hơn. Thực hiện theo hướng hiện đại hóa qua việc áp dụng công nghệ thông tin để thu thập, tổng hợp, thống kê, báo cáo dữ liệu từ hóa đơn điện tử thay vì các phương pháp thủ công như sử dụng hóa đơn giấy.

Ngoài ra, còn giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn tập trung; hỗ trợ, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Giúp cơ quan hải quan tại các cửa khẩu, sân bay nhanh chóng có thông tin để kết nối lô hàng, kết nối cảng, kết nối với doanh nghiệp khai hải quan; loại bỏ chi phí thời gian đối chiếu các chứng từ khi kiểm tra cước vận chuyển, chi phí tính vào giá hàng

Đối với các công ty xuất nhập khẩu

Rút ngắn các bước phát hành và giảm thiểu gần như tối đa các tranh chấp liên quan đến hóa đơn. Rút ngắn thời gian thanh toán đối với các hãng tàu sử dụng hệ thống dịch vụ ngân hàng trong nước, quản lý hóa đơn, tiết kiệm thời gian phát hành đến khách hàng cho mỗi bộ lệnh và hóa đơn kèm theo. Doanh nghiệp không phải chờ đợi nhận lệnh giao hàng và hóa đơn từ bộ phận kế toán cũng như bộ phận hàng nhập tại quầy giao dịch của hãng tàu - hóa đơn hãng tàu phát hành ra phải gửi bưu điện như cách làm với hóa đơn giấy. Người mua sẽ nhận được cả lệnh eDO và hóa đơn bằng email dù đang ở bất cứ nơi nào chỉ cần có internet.

Giảm chi phí về giấy in, mực in, chi phí chuyển phát nhanh hóa đơn cho khách hàng, chi phí kê khai lưu trữ hóa đơn. Khách hàng không lo tình trạng thất lạc lệnh chưa xử lý, hóa đơn khi lưu trữ cũng như trong khi chuyển phát. Đối với hãng tàu sẽ giảm chi phí thuê văn phòng, bố trí khu vực quầy phát lệnh và nơi chờ đợi tới lượt nhận lệnh. Doanh nghiệp nhận hàng cũng không phải bố trí nhân lực để đi tới các hãng tàu ở những nơi khác nhau.

Doanh nghiệp sử dụng eDO sẽ đảm bảo độ bảo mật thông tin, an toàn và hạn chế rủi ro thất lạc hoặc sai sót. Không bị làm giả chứng từ nhờ vào chuỗi mã số bảo mật trên lệnh được khởi tạo theo quy tắc riêng của mỗi hãng tàu. Doanh nghiệp nhận lệnh cũng không sợ bị thất lạc lệnh giấy giống như trước đây, mọi lệnh đều là điện tử có thể lấy lại qua hệ thống email đã được gửi. Bên cạnh đó, lệnh điện tử còn tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hiệu quả; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ giấy.

Đối với cảng và hãng tàu

Giảm bớt áp lực nhân sự để giải quyết giấy tờ truyền thống. Như trước đây, các nhân viên thực hiện lệnh giao hàng truyền thống cần đến tận văn phòng của hãng tàu để thực hiện các thủ tục, mỗi ngày có hàng ngàn lượt giao dịch, gây áp lực rất lớn đến nhân viên giải quyết thủ tục hãng tàu.

Ngoài việc tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí, đảm bảo độ chính xác, giảm bớt nhân lực thì giờ đây tại cảng chỉ mất vài phút để hoàn tất các thủ tục đăng ký nghiệp vụ, nâng hạ 1 lô hàng hoặc container, giúp cảng chủ động hơn về kế hoạch làm hàng theo yêu cầu của chủ. Hỗ trợ thay đổi thông tin lô hàng, số container ngay cả khi giao dịch đã hoàn tất; kiểm soát chặt chẽ, giảm rủi ro thất thoát, mất mát về tiền mặt.

Thanh toán nhanh chóng qua NAPAS, thanh toán điện tử qua internet banking là dịch vụ giúp khách hàng thanh toán hữu hiệu 24/7 chỉ trong vài phút, bằng cách ủy quyền cho ngân hàng nơi khách hàng mở tài khoản, tự động thanh toán cho hãng tàu, cảng bãi.

VLA đang nghiên cứu áp dụng rộng rãi eDO

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, giao thông vận tải và logistics là 1 trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Cụ thể, chú trọng phát triển nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng thành hệ thống một cửa cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu nhằm vận chuyển hàng hóa và các kho bãi chính xác, hỗ trợ việc đóng gói và đăng ký, hoàn thiện quá trình xử lý các văn bản hành chính liên quan.

Theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND về Chương trình Chuyển đổi số của TP. HCM, mục tiêu cơ bản của chuyển đối số đối với lĩnh vực logistics là xây dựng và làm đầy đủ phiên bản số của hệ thống logistics diễn đạt trạng thái thực tất cả các công đoạn của chuỗi dịch vụ logistics: Sản xuất - Bao bì, dán nhãn - Chứng nhận xuất xứ - Vận chuyển nội địa - Hải quan - Kho bãi - Cảng, bốc xếp - Vận tải quốc tế - Kiểm tra - Giao nhận.

Nhằm đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động logistics, hiện nay, VLA đang nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao, chuyển đổi số trong hoạt động logistics. Trong đó, đang thực hiện việc nghiên cứu áp dụng rộng rãi eDO cho các lô hàng lẻ (LCL) và đồng thời tích cực tham gia dự án e-B/L của Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế FIATA. Đầu tháng 7 vừa qua, VLA đã có buổi làm việc với Công ty Blockchain SoICT (Datochain) và Công ty Vietnam Blockchain (VBC) về kế hoạch, giải pháp triển khai hiệu quả đề án eDO. Hiện nay, VLA vẫn đang nỗ lực để sớm mở rộng, triển khai rộng rãi ứng dụng eDO vào hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.

 
eDO là lệnh giao hàng điện tử được hãng tàu phát hành qua email dưới dạng file PDF thay cho lệnh DO giấy truyền thống. Chủ hàng hay người nhận hàng chỉ cần đăng ký thông tin có trong eDO nhận được từ hãng tàu vào hệ thống trực tuyến, sau đó thanh toán phí giao container, xác thực và vào thẳng cổng cảng nhận container hoặc chuyển số đăng ký cho bên vận chuyển mà không cần phải đem lệnh giao hàng đến quầy thủ tục của cảng để xác nhận như trước.

Theo VLR.

Tin nổi bật