Chiều 8/5, tại Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón tàu container quốc tế đầu tiên của hãng CNC thuộc Tập đoàn CMA CGM.
Chuyến tàu đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ vận tải container Haiphong China Express (HCX) của CNC thuộc Tập đoàn CMA CGM tới Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn (đơn vị thành viên của công ty cổ phần gang thép Nghi Sơn) là tuyến vận tải container Quốc tế đầu tiên đến khu vực Bắc Miền Trung.
Tập đoàn CMA là Tập đoàn vận chuyển container đứng đầu nước Pháp và lớn thứ 3 trên thế giới. Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng quan về Khu kinh tế Nghi Sơn và Cảng Nghi Sơn, Tập đoàn CMA đã quyết định chọn Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn làm điểm cập bến cho những chuyến tàu container vận chuyển hàng hóa đi các nước trên thế giới, với tần suất ban đầu 1 chuyến/tuần tương đương khoảng 52 chuyến/năm.
Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch với diện tích khoảng 735 ha, gồm 62 bến cảng, trong đó có: 50 bến chuyên dụng, bến tổng hợp và 12 bến container, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT. Đến nay đã có 20 bến tổng hợp, bến chuyên dụng đi vào hoạt động; 10 bến container và nhiều bến tổng hợp, bến chuyên dụng khác đang tiếp tục được đầu tư, đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng trên 30.000DWT. Riêng Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn có cao độ nạo vét luồng -13m, đã được cấp phép đón tàu đến 100.000DWT. Công suất bốc dỡ hàng hóa của Cảng Nghi Sơn đến năm 2020 ước tính khoảng 36 triệu tấn/năm và đạt 80 triệu tấn/năm vào năm 2030.
“Sự kiện đón chuyến tàu container đầu tiên của Tập đoàn CMA cập cảng Nghi Sơn diễn ra hôm nay khẳng định tiềm năng, lợi thế nổi trội của cảng biển nước sâu Nghi Sơn đối với quá trình xây dựng và phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn CMA hoạt động ổn định và đạt hiệu quả cao, tôi đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp hỗ trợ Tập đoàn CMA nhanh chóng hoàn thành các thủ tục có liên quan để triển khai các hoạt động ra, vào cảng Nghi Sơn”, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành và tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như: các dự án mở rộng QL1, tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa, QL 47 đoạn Thanh Hóa – Sầm Sơn, QL 217 nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với các tỉnh bắc Lào, dự án đường nối Nghi Sơn – Sân bay Thọ Xuân, Cảng hàng không Thọ Xuân,... Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tập trung chỉ đạo thực hiện đầu tư một số dự án trọng điểm như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa và Thanh Hóa – Bãi Vọt, giai đoạn 2 dự án QL217, tuyến đường bộ ven biển, tiếp tục đầu tư một số bến cảng tại cảng biển Nghi Sơn để hoàn thiện hệ thống cảng biển tại khu vực.
“Việc Tập đoàn CMA quyết định chọn Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn là điểm để mở tuyến dịch vụ vận tải container đã cho thấy tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng. Tôi ghi nhận và đánh giá cao việc Tập đoàn CMA quyết định mở tuyến dịch vụ vận tải container và chọn Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn là điểm cập bến của những chuyến tàu container vận chuyển hàng hóa đi các nước trên thế giới”, Thứ trưởng Thọ nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng lưu ý: Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn phải có giải pháp hiện đại hóa trong tổ chức sản xuất, giao nhận hàng hóa, phục vụ hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu với chất lượng cao. Cùng với đó là tổ chức dịch vụ logistic tốt và hiệu quả góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp. Cảng cũng cần xây dựng trở thành cảng hiện đại, tự động hóa, áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh Thanh Hoá, hỗ trợ tối đa trong việc phát triển hàng hải tại địa phương, trên cơ sở đảm bảo sự phát triển hợp lý giữa các cảng biển trong toàn hệ thống theo định hướng trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục chỉ đạo và yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa và các đơn vị trong ngành hàng hải tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải tại khu vực.