Xuất khẩu trong nửa đầu tháng 4-2020 của Việt Nam đã giảm mạnh. Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2020 sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quí 1-2020 đạt 63,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019. Có thể thấy mức tăng này là khá tích cực xét trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh trên thế giới như trong thời gian vừa qua.
Về cơ cấu, hai thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong ba tháng đầu năm là Trung Quốc và Mỹ với mức tăng lần lượt là 24% và 20%. Thị trường châu Âu cho thấy xu hướng tiêu cực với mức suy giảm 6% so với cùng kỳ.
Với thị trường Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu đáng chú ý (kim ngạch đạt từ 1 tỉ đô la trở lên) là: dệt may, điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép, đồ gỗ; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Cụ thể, trong quí 1, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt 3,3 tỉ đô la. Dù giảm nhẹ hơn 20 triệu đô la so với cùng kỳ năm trước, nhưng thị trường Mỹ vẫn chiếm đến 47% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Với nhóm hàng điện thoại và linh kiện, Mỹ đã vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 2,67 tỉ đô la, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Với mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 1,96 tỉ đô la, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019 và vươn lên là thị trường lớn thứ 2 sau Trung Quốc.
Tính đến hết ngày 15-4-2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 71,61 tỉ đô la, chỉ còn tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019 (thu hẹp so với mức tăng 7,5% hồi cuối tháng 3). |
Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, Việt Nam chi 3,55 tỉ đô la để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất và cũng là nhóm duy nhất đạt kim ngạch “tỉ đô” từ thị trường Mỹ trong quí 1-2020 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch gần 1,17 tỉ đô la. Diễn biến này giúp Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu lớn sang thị trường Mỹ với giá trị đạt 12,4 tỉ đô la trong ba tháng đầu năm.
Với Trung Quốc, bất ngờ khá lớn khi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong quí 1 (24%) dù dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thương với nước này ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nhìn kỹ vào cơ cấu các nhóm hàng thì điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là hai nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào mức tăng trên khi lần lượt đạt kim ngạch 1,98 tỉ đô la (tương ứng tăng 3,87 lần so với cùng kỳ) và 2,58 tỉ đô la (tương ứng tăng 46%). Trong quá khứ đã từng có quãng thời gian (nửa đầu năm 2018) kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc cũng bất ngờ tăng mạnh nhưng sau đó lại nhanh chóng hạ nhiệt. Nhiều khả năng, diễn biến này chủ yếu do động thái điều chỉnh về nguồn xuất, nguồn nhập của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn tại Việt Nam.
Ngoại trừ hai nhóm hàng điện tử nêu trên thì mặt hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) xuất sang Trung Quốc cho thấy sự khó khăn rõ nét hơn do dịch bệnh. Xuất khẩu nhóm hàng này trong quí 1 chỉ đạt 3,98 tỉ đô la, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với 1,15 tỉ đô la, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Còn nhiều khó khăn ở phía trước
Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ trở nên tiêu cực và rõ nét hơn kể từ đầu quí 2-2020 trở đi do đây là thời điểm Mỹ và châu Âu chính thức thực hiện “cách ly xã hội”. Điều này sẽ khiến cho hầu hết các hoạt động kinh tế ở những nước này đóng băng, qua đó nhu cầu hàng hóa sẽ giảm theo. Hiện thị trường Mỹ và EU chiếm tỷ trọng hơn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên gần như chắc chắn xuất khẩu sang hai thị trường này sẽ sụt giảm mạnh trong tháng 4.
Thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy xu hướng này khi tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4-2020 chỉ đạt 8,26 tỉ đô la, giảm 36,6% (tương ứng giảm 4,72 tỉ đô la về số tuyệt đối) so với nửa cuối của tháng 3-2020.
Sự suy giảm diễn ra ở hầu hết các mặt hàng chủ lực như: điện thoại các loại và linh kiện (giảm 1,39 tỉ đô la, tương ứng giảm 52,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 669 triệu đô la, tương ứng giảm 31,6%); hàng dệt may (giảm 416 triệu đô la, tương ứng giảm 36%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (giảm 389 triệu đô la, tương ứng giảm 33,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 220 triệu đô la, tương ứng giảm 48,8%); gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 176 triệu đô la, tương ứng giảm 35,2%)... Như vậy, tính đến hết ngày 15-4-2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 71,61 tỉ đô la, chỉ còn tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019 (thu hẹp so với mức tăng 7,5% hồi cuối tháng 3).
Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2020 sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU. Mặc dù các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số đối tác khác tại châu Á như Đài Loan, Hồng Kông... nhằm giảm thiểu rủi ro, nhưng nhìn chung sự chuyển dịch còn tương đối chậm và khiêm tốn.
Điểm tích cực có thể kỳ vọng là Trung Quốc và Hàn Quốc đang kiểm soát dịch bệnh tốt nên hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường này có thể sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức âm 3% (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF), kéo theo hoạt động ngoại thương suy giảm tại khắp các thị trường thì việc giữ cho xuất khẩu không bị tăng trưởng âm có lẽ cũng được xem là một thành công cho Việt Nam trong năm 2020 này.
Đăng Linh
Link gốc bài viết: https://www.thesaigontimes.vn/303038/xuat-khau-bat-dau-tham-don-covid-19-.html