Hồ sơ xin cấp phép nhận chìm chất nạo vét từ dự án duy tu 4 tuyến luồng hàng hải: Nghi Sơn, Cửa Hội - Bến Thủy, Cửa Lò, Vũng Áng đã được thông qua, giải tỏa khó khăn tìm vị trí đổ thải của đơn vị bảo đảm ATHH trong năm 2021 - Ảnh minh họa
Đại diện Phòng An toàn hàng hải (ATHH), Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc cho biết, trải qua quá trình gian nan hoàn thiện thủ tục và thẩm định hồ sơ nghiêm ngặt, từ ngày 31/12/2020 - 7/1/2021, Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt hồ sơ, quyết định giao khu vực biển nhận chìm chất nạo vét từ hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải cho 4 tuyến luồng, gồm: Nghi Sơn, Cửa Hội - Bến Thủy, Cửa Lò và Vũng Áng.
Theo đại diện này, hiện thời gian làm thủ tục cho một công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải làm thủ tục đổ chất nạo vét ở biển phải mất khoảng 250 ngày trong trường hợp được hội đồng thẩm định thông qua ngay lần đầu tiên.
Để đảm bảo thời gian hoàn thiện thủ tục, ngay từ năm 2019, Bộ GTVT đã có chủ trương giao kế hoạch thực hiện duy tu nạo vét các tuyến luồng: Nghi Sơn, Cửa Hội - Bến Thủy, Cửa Lò, Vũng Áng và Đà Nẵng trong hai năm. Trong đó, năm 2020 chỉ tập trung vào khâu hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đầu tư.
Cũng theo đại diện Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc, năm 2017, đơn vị này đã thực hiện thủ tục xin nhận chìm chất nạo vét ngoài biển với 3 tuyến luồng: Hòn Gai - Cái Lân, Cửa Lò và Sa Kỳ.
Đến giữa năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi cấp giấy phép nhận chìm cho 2 dự án: Cửa Lò và Sa Kỳ. Song, khi trình hồ sơ xin giao khu vực biển thì không được cơ quan có thẩm quyền cấp để thực hiện.
“Ngay sau khi được Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch, Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc đã tập trung nhân lực, lựa chọn đơn vị tư vấn, cùng đơn vị tư vấn triển khai các hoạt động thu thập thông tin để thực hiện hồ sơ nạo vét, lập hồ sơ nhận chìm, xin cấp giấy phép nhận chìm.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đợt 2 tại Đà Nẵng, quá trình thu thập thông tin bị ảnh hưởng, công tác thu thập thông tin, lập hồ sơ đổi với công trình luồng hải Đà Nẵng đã phải dừng lại.
Đến cuối tháng 8/2020, trải qua quá trình điều tra, khảo sát tại các địa phương, trên nhiều vùng biển xa bờ (ngoài 6 hải lý). Thậm chí, có những khu vực nhạy cảm phải xin vị trí ngoài 20 hải lý (cách bờ khoảng 38km), Tổng công ty đã lập 4 bộ hồ sơ: Nghi Sơn, Cửa Hội - Bến Thủy, Cửa Lò và Vũng Áng trình và được Bộ Tài Nguyên - Môi trường thông qua”, đại diện này thông tin.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trước đây, vị trí đổ chất nạo vét từ các dự án duy tu, nạo vét luồng hàng hải chủ yếu ở ngoài biển.
Từ năm 2016 đến nay, Nghị định 40/2016 của Chính phủ có hiệu lực, hoạt động đổ chất nạo vét ở biển không còn là đổ chất thông thường mà trở thành hoạt động nhận chìm chất nạo vét, được quản lý rất chặt chẽ. Điều đó dẫn tới các hoạt động đổ chất nạo vét thông thường có những hạn chế nhất định và phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp.
Trước khó khăn đó, Cục Hàng hải VN cùng các đơn vị bảo đảm ATHH đã nỗ lực phối hợp với các địa phương tìm vị trí đổ chất nạo vét trên bờ để bảo đảm tiến độ duy tu các luồng hàng hải, phục vụ cho tàu hành hải thuận lợi. Thế nhưng, công tác duy tu luồng hàng hải vẫn chưa có được sự ổn định khi vị trí đổ vật liệu nạo vét rơi vào cảnh ăn đong theo từng năm.