Hai dự án cao tốc qua khu vực Vân Phong (Khánh Hòa) gồm Tuy Hòa - Vân Phong (51km), Vân Phong - Nha Trang (81km) sẽ được quy hoạch 8 làn xe.

Thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Vân Phong - Báo Nhân Dân

Chiều 11/5/2021, tại TP. Nha Trang, đoàn công tác do Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng tham dự đoàn công tác.

Tại buổi làm việc, bàn về định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, thực hiện kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, sẽ có hai dự án cao tốc qua khu vực Vân Phong bao gồm Tuy Hòa - Vân Phong (51km) và Vân Phong - Nha Trang (81km). Ngoài ra còn dự án cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk.

“Chậm nhất là cuối tháng 6, một dự án thành phần khác của cao tốc Bắc Nam là Nha Trang - Cam Lâm sẽ được triển khai. Những dự án cao tốc giúp kết nối Vân Phong nói riêng, Khánh Hòa nói chung với toàn bộ khu vực, tạo động lực phát triển cho địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Theo Thứ trưởng, riêng với 2 đoạn cao tốc qua Vân Phong là Tuy Hòa - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang, Bộ GTVT sẽ quy hoạch 8 làn xe, bởi theo đánh giá trong tương lai nơi đây sẽ là một khu kinh tế lớn của vùng, cần hạ tầng giao thông tương xứng.

Về việc xây dựng cảng tại khu kinh tế Vân Phong, theo Thứ trưởng, qua nhiều nghiên cứu, cảng Vân Phong có tiềm năng lớn cho việc xây dựng cho một cảng trung tâm, cảng tổng hợp quốc gia, trung chuyển quốc tế (loại 1A).

“Quy hoạch cảng Vân Phong phải kết hợp với quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong thì mới có thể trở thành cảng trung chuyển lớn được. Vì vậy vừa quy hoạch cảng, vừa quy hoạch khu logistics”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Đánh giá cao góp ý xây dựng của Bộ GTVT trong việc quy hoạch cảng Vân Phong, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Khánh Hòa chủ động phối hợp với Bộ về vấn đề này.

“Chúng ta phải nhìn nhận đúng vai trò của cảng Vân Phong, đó không chỉ là nguồn lực mà cần phải tạo động lực để phát triển”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Khu vực Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha; trong đó, diện tích mặt nước khoảng 80.000 ha, diện tích mặt đất khoảng 70.000 ha, thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Ở đây có hệ thống đảo, bán đảo phong phú; vịnh sâu và kín gió; bờ, bãi biển, cồn cát rộng, sạch, đẹp... và nhất là có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển, ven biển... Các chuyên gia kinh tế đánh giá vịnh Vân Phong là nơi có điều kiện đặc biệt thuận lợi trong việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, bởi nước biển có độ sâu tự nhiên lớn, ổn định; địa hình kín gió, an toàn; vị trí gần đường hàng hải quốc tế...

Nhằm sớm phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực này, ngày 25-4-2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập KKT Vân Phong, có tổng diện tích 150.000 ha. Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030, đây là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác.

Giai đoạn 2016 - 2020, KKT Vân Phong thu hút 41 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án với tổng số vốn đăng ký 64.167 tỷ đồng; đã có 91 dự án đi vào hoạt động; đóng góp ngân sách của tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.251 lao động. Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút khoảng 158 dự án đầu tư; tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD; trong đó có 61 dự án đã đi vào hoạt động và 67 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng. Có 8 dự án đã thỏa thuận chủ trương, đang thực hiện thủ tục đầu tư với tổng vốn 10,3 tỷ USD. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng tại khu vực Nam KKT Vân Phong đã hoàn thành đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án. Thực tế đã có một số dự án lớn đi vào hoạt động và có đóng góp thiết thực, hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương như Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, khu công nghiệp Ninh Thủy... Trong đó, chỉ riêng Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam năm 2019 đóng mới 16 tàu tải trọng lớn, doanh thu 458 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.


VITIC tổng hợp
Link gốc

 

Tin nổi bật