Kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng như "rồng được tháo xích"

Phát biểu tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vừa diễn ra, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt sự ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. “Từ trước đại dịch Covid-19, International Data Coperation đã dự báo, đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. Sau đại dịch, mọi việc có thể còn tiến nhanh hơn nữa”, Chủ tịch VCCI thông tin.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như "rồng được tháo xích" và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, một số thách thức, rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số mà các doanh nghiệp đang gặp phải như thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp,… Mỗi bước đi, quyết định đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT đòi hỏi năng lực về tài chính vững mạnh, thứ mà hầu hết các doanh nghiệp đang còn rất hạn chế. 

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Tư duy chính là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp khi chuyển đổi số, hệ lụy của việc này khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng gọi là “thờ ơ với kỹ thuật số”, điều này thể hiện ở chỗ các nỗ lực kỹ thuật số của doanh nghiệp chỉ dừng ở mức phản ứng với thay đổi của thị trường nhiều hơn là phát triển theo các phương thức chủ động, nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ coi IT là khoản chi phí cần thiết chứ không phải nguồn đầu tư cho thúc đẩy lợi thế cạnh tranh”. 

Các doanh nghiệp cần thiết lập được hệ thống quản trị hiện đại

Chủ tịch VCCI cho biết, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nói chung của doanh nghiệp đã là một thách thức không nhỏ thì chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nhiều bên giữa các Bộ ngành, các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp nằm trong mạng lưới hoạt động xuất nhập khẩu như C/O, hải quan, thuế, logistics, ngân hàng ... 

Muốn chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần thiết lập được hệ thống quản trị hiện đại, triệt để ứng dụng công nghệ số tích hợp vào toàn bộ quy trình kinh doanh, các hoạt động của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp nên khẩn trương xây dựng, thực thi hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số. 

“Để làm được và làm thành công chương trình Chuyển đổi số doanh nghiệp. Tôi nghĩ cộng đồng doanh nghiệp cần đổi mới mạnh mẽ về nhận thức, tư duy, quyết tâm hành động, tôi cũng kêu gọi sự vào cuộc của cả xã hội, nhưng trước hết là với chính doanh nghiệp, doanh nhân, tôi mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp ‘’tăng tốc hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, táo bạo hơn nữa’’ trong việc thay đổi nhận thức về ứng dụng thành tựu công nghệ mới, cách thức quản trị và hành động phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhanh chóng xác lập, thực thi chương trình kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số, xây dựng doanh nghiệp số, bám sát mục tiêu hiệu quả, tập trung vào khách hàng và tập trung vào cải tiến; kinh doanh bài bản, có hiệu quả trên nền tảng kế hoạch, chiến lược được xây dựng”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể. Điều này cho thấy Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách theo chiều sâu, và cần phải có những động lực mạnh mẽ hơn trong cải cách thể chế, phương thức nhằm tạo ra môi trường kinh doanh xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. 

Những phương thức hoạt động phục vụ công tác xuất nhập khẩu thông thường như hiện nay đang dần được thay đổi, cải thiện nhằm bắt kịp với nhu cầu thực tế của thời đại kinh tế số. Chúng ta cần tập trung hơn vào việc cải cách thể chế, xây dựng hệ thống hành chính theo hướng hiệu quả, tinh gọn nhằm phục vụ hiệu quả, đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. 

Theo: Vnmedia.vn (https://vnmedia.vn/kinh-te/202007/chuyen-doi-so-se-giup-doanh-nghiep-viet-nam-vuot-qua-kho-khan-b7361f5/)

Tin nổi bật