Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ logistics của thành phố, đồng thời đẩy mạnh vai trò của Hải Phòng trong liên kết vùng, ngày 12 tháng 7 năm 2019, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng” tại Thành phố Hải Phòng.

Hải Phòng là thành phố cảng và công nghiệp lớn nằm ở vị trí cửa ngõ của Miền Bắc, là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, có vị trí quan trọng về kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước. Hải Phòng là đầu mối giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với lợi thế cảng nước sâu, đồng thời là một trong những động lực tăng trưởng của cả vùng. Nhờ có vị trí chiến lược như trên, Hải Phòng đóng vai trò là trung tâm kết nối các hoạt động logistics, lượng hàng hóa thông qua, đặc biệt là hàng container, có tốc độ tăng trưởng nhanh, với nhiều hoạt động dịch vụ logistics như giao nhận, vận tải, kho hàng, cảng biển, xếp dỡ hàng hóa, đại lý hải quan nội địa và quốc tế.

Hải Phòng có cụm cảng lớn nhất khu vực miền Bắc bao gồm gần 30 cảng lớn nhỏ, trong đó khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện có thể đón tàu container trên 10.000 DWT. Hải Phòng có đủ 6 phương thức vận tải với mạng đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với cả nước, sân bay quốc tế Cát Bi, có phương thức vận tải đường ống và hệ thống kho bãi đa dạng, trong đó có 18 kho ngoại quan, 4 kho CFS và các địa điểm kiểm tra tập trung. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng 2018 đạt 83 triệu tấn với 4,8 triệu TEU. Hiện có trên 300 công ty cung cấp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Hải Phòng có các khu công nghiệp phát triển cùng với hàng hóa của các tỉnh, thành phố Miền Bắc tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động xuất nhập khẩu, hiện hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng xuất khẩu chiếm khoảng 28,4% và nhập khẩu chiếm 41,3% giá trị cả nước. Từ đó Hải Phòng có đủ các điều kiện để phát triển ngành dịch vụ logistics, làm động lực thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ logistics của thành phố, đồng thời đẩy mạnh vai trò của Hải Phòng trong liên kết vùng, ngày 12 tháng 7 năm 2019, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng”tại Thành phố Hải Phòng.

Đồng chủ trì Hội nghị là đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng. Hội nghị có sự tham gia của trên 400 đại biểu, gồm Lãnh đạo và đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, UBND và các Sở một số tỉnh, thành phố phía Bắc, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.

Toàn cảnh Hội nghị "Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng - nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng"

Sau bài phát biểu khai mạc của Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hội nghị cũng đã lắng nghe các bài tham luận của các đại biểu đại diện đến từ Thành phố Hải Phòng, Bộ Công Thương, Thành phố Hà Nội và các diễn giả từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, Trường Đại học Hàng hải cùng các đại diện là lãnh đạo các doanh nghiệp logistics tiêu biểu. Các tham luận đã nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của Hải Phòng, phân tích các lợi thế chiến lược của Hải Phòng là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc.


Ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương nhấn mạnh 3 trọng tâm logistics của Hải Phòng

Các đại biểu cho rằng Hải Phòng không chỉ là đầu mối kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, mà còn với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại; đóng vai trò thiết yếu của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời kết nối với khu vực kinh tế phía Nam Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây. Đây cũng là cụm cảng lớn nhất của khu vực Miền Bắc giúp trung chuyển lượng hàng hóa cho hơn 20 tỉnh, thành phố phía Bắc. Các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị, giải pháp quan trọng trong việc cắt giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng thương mại với hạ tầng giao thông trên toàn quốc nhằm nâng cao năng lực cạnh và đẩy mạnh liên kết vùng, đưa thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, khu vực và trên thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nêu lên một số kết quả đáng ghi nhận đối với ngành dịch vụ logistics trong thời gian qua, coi đây là sự ghi nhận rõ nhất đối với nỗ lực của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, nỗ lực của các địa phương, trong đó có Hải Phòng là một địa phương có vị trí địa chính trị quan trọng, có vai trò đầu tầu trong ngành dịch vụ logistics của cả nước. Tuy vậy, Hải Phòng vẫn còn hạn chế trong quá trình phát triển ngành logistics những năm qua như tính kết nối giữa các phương thức vận tải chưa cao; công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; chưa có nhiều trung tâm logistics tiên tiến, đảm nhiệm nhiều chức năng, tạo ra giá trị gia tăng cao; hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển, chưa hỗ trợ đẩy mạnh logistics cho thương mại điện tử; chưa phát huy hết vai trò kết nối, trung chuyển hàng hóa cho các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Tất cả những yếu tố trên cũng là những nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng còn cao so với một số nước trong khu vực, gây ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Qua bức tranh toàn cảnh thực trạng của hoạt động logistics tại Hải Phòng, Bộ trưởng đã đề xuất 8 nhóm giải pháp cụ thể nhằm phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà cho toàn ngành dịch vụ logistics, Bộ trưởng cũng đề nghị thành phố Hải Phòng tập trung chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai các giải pháp góp phần triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời phối hợp triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị này một lần nữa khẳng định quyết tâm của thành phố Hải Phòng trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước, trọng điểm về dịch vụ logistics, đồng thời luôn đồng hành cùng Bộ Công Thương trong phát triển dịch vụ logistics, phối hợp triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 200/QĐ-TTg cũng như các nội dung của Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định 708/QĐ-BCT./.

Vui lòng click để tải các tài liệu, tham luận Hội nghị theo các nhóm sau:
1. Cục Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA): Tải tại đây
2. Đại học Hàng hải và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Tải tại đây
3. Một số công ty trong lĩnh vực logistics: Tải tại đây

Tin nổi bật