Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực logistics, phát triển dịch vụ trên nền tảng công nghệ số là yêu cầu và xu thế tất yếu giảm chi phí logistics và nâng cao sức cạnh tranh.

Tại Diễn đàn Logistics mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng đã chỉ rõ "điểm nút" trong chi phí logistics là cần tập trung phát huy nội lực, tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo ra đột phá. 

 

Cũng tại diễn đàn này, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, hiện nay đã xuất hiện hai xu hướng mới từ đại dịch COVID-19 có liên quan đến lĩnh vực logistics ở Việt Nam. Xu hướng thứ nhất là sự tăng tốc của thương mại điện tử và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số ở Việt Nam.

Xu hướng thứ hai là sử dụng giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả và cung cấp những dịch vụ mới cho khách hàng. Khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể cung cấp khả năng hiển thị và truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như giao tiếp với khách hàng trực tuyến.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp logistics phải đầu tư vào công nghệ như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, tự động hóa và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, các công nghệ mũi nhọn như robot, máy bay không người lái và phương tiện tự hành cũng có thể làm tăng hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc này còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản… vẫn chưa có một trung tâm logistics thông minh tầm cỡ nào.

Thực tế, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logisitics Việt nam (VLA), mức độ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam còn chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ. Khoảng 40% các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là các ứng dụng cơ bản như quản lý giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng, quản lý vận tải, trao đổi dữ liệu điện tử và khai báo hải quan (được ứng dụng nhiều nhất 75% - 100%). Như vậy, chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp có tích tích hợp cao.

Trong khi đó, có tới 96% doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, công nghệ là nhân tố khác biệt tạo thuận lợi cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nhìn nhận từ các doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ cho biết đã mang lại hiệu quả của dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan.

Điển hình như Cảng điện tử ePort và Lệnh giao hàng điện tử eDO tại Tân Cảng Sài Gòn. Cụ thể, Cảng điện tử ePort giúp khách hàng của Cảng và hãng tàu tiết giảm các công đoạn di chuyển, nhận lệnh, quản lý giấy tờ thủ công, điện tử hóa quy trình làm việc, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, chứng từ giao nhận cũng như thanh toán, giảm ách tắc giao thông khi sản lượng hàng hóa giao nhận tăng cao, đồng thời giảm 2/3 số lượng nhân viên tại khu thủ tục. Tính đến ngày 25/6, hầu hết các hãng tàu đã thực hiện lệnh giao hàng điện tử eDO với Cảng, chiếm tỷ lệ ~ 100% tổng số lệnh giao hàng trong toàn hệ thống cảng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Hay như ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics (Cargowise), đây là giải pháp công nghệ tổng thể toàn diện, và được đánh giá là hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay cho các doanh nghiệp logistics. Hiện tại giải pháp này đang được sử dụng bởi hơn 12.000 doanh nghiệp trên 150 nước với hơn 30 ngôn ngữ, trong đó có 25/25 công ty giao nhận và 40/50 công ty logistics lớn nhất thế giới (theo xếp hạng của Armstrong Associates tháng 10-2019).

Chỉ cần duy nhất giải pháp này, toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm mảng cung cấp dịch vụ logistics như: giao nhận (forwarding), hải quan, hãng tàu, đại lý, CFS, kho bãi, vận tải, chuyển phát và thương mại điện tử, tuân thủ địa lý, theo dõi định vị, và các bộ phận, phòng ban chức năng khác nhau như kinh doanh, quản lý quan hệ khách hàng CRM, quản lý giá (Pricing), kế toán, nhân sự, quy trình làm việc, chứng từ (Document), eDocs... đều được xử lý và quản lý tập trung trên nền tảng điện toán đám mây)...  Giải pháp đáp ứng những yêu cầu tuân thủ trong vận tải quốc tế như khai báo AMS/ACI/AFR (Mỹ/Canada/Nhật Bản), … Cargowise cũng sẵn sàng cho việc tích hợp với phần mềm e-invoice của bên thứ 3, vì vậy khi việc phát hành hóa đơn điện tử đang sắp trở thành yêu cầu bắt buộc từ 1/11/2020, doanh nghiệp sử dụng giải pháp không cần phải nhập lại dữ liệu cho việc phát hành hóa đơn điện tử.

Thống kê chung cho thấy doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đến 15% - 20% nhân lực thông qua việc ứng dụng giải pháp tổng thể này. Quan trọng hơn cả, giải pháp giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics cải thiện, kiểm soát tốt dịch vụ của mình, sẵn sàng cho việc gia nhập chuỗi cung toàn cầu, giảm chi phí logistics đáng kể.

Do đó, VLA nhấn mạnh, xây dựng nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics để phục vụ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu là giải pháp giúp giảm chi phí logistics. Nền tảng này sẽ ứng dụng công nghệ Block-chain và các công nghệ khác. Sản phẩm trước tiên là E-DO cho hàng lẻ đóng trong container chung chủ và e-Bill of Lading…

Chia sẻ về vấn đề này, TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng cũng giống như những ngành kinh tế chia sẻ khác, việc áp dụng những thành tựu từ Cuộc cách mạng 4.0 sẽ đem lại nhiều dư địa phát triển cho ngành dịch vụ logistics khi công cụ lao động được tận dụng hiệu quả, quy trình quản trị trở nên hiệu quả giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh, đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng. 

"Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ góp phần thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn thông qua dịch vụ e-logistics", ông Cung nhấn mạnh.

Link gốc bài viết: https://enternews.vn/ha-nhiet-chi-phi-logistics-ky-v-phat-trien-logistics-4-0-187601.html

Tin nổi bật