Khi những chuyến xe nối đuôi nhau chạy bon bon trên cầu Vàm Cống nối hai bờ Cần Thơ và Đồng Tháp cũng là lúc Bến phà Vàm Cống kết thúc sứ mệnh.
Biết là tất yếu nhưng vẫn… buồn!!!
Làm quen với những chuyến phà từ năm 1988, thuyền trưởng phà Nguyễn Đăng Đồng không giấu nổi xúc động khi nhắc đến giây phút chia xa những chuyến phà quen thuộc.
Ông Đồng kể, sau ngày xuất ngũ, nơi đầu tiên ông công tác là Bến phà Cần Thơ. Ngày 30/4/2010, ông phải chia tay nơi này khi cầu Cần Thơ được khánh thành để rồi sau hơn 9 năm chuyển công tác, một lần nữa ông lại tiếp tục chia tay với Bến phà Vàm Cống.
“Tôi lái phà hơn chục năm trên sông Hậu, về đây thêm 9 năm, một lần nữa lại chia tay, biết là điều tất yếu nhưng vẫn thấy buồn”, ông Đồng ngậm ngùi chia sẻ.
Ông Đồng vẫn nhớ như in cái cảm giác lái chuyến phà đầu tiên khi chuyển về công tác tại Bến phà Vàm Cống. Đoạn này nước chảy xiết, có lúc tưởng chừng như mũi phà đã chạm vào ponton, nhưng nước xoáy lớn bất ngờ đẩy phà ra xa, vất vả lắm mới đưa mũi phà chạm đến đích. Mất cả tháng trời, ông mới làm quen được với dòng xoáy nước của khúc sông, để rồi như một guồng quay không thay đổi, mỗi ngày điều đặn 12h làm việc.
“Có những cái Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, phải tăng ca, bữa cơm nhà chỉ có vợ con. Nhưng biết sao được, nó đã gắn bó trong máu thịt mình rồi, việc ở phà như cái nghiệp vận vào thân. Mọi câu chuyện ở nhà hay anh em ngồi tán gẫu đều xoay quanh những chuyến phà. Nghĩ đến hôm nay phà ngưng hoạt động ai cũng ngậm ngùi”, ông Đồng bùi ngùi.
Cùng chung suy nghĩ, thuyền trưởng Nguyễn Trường An, người gắn bó với Bến phá Vàm Cống hơn 20 năm cười cười: “Dù biết khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng thì chúng tôi phải rời bỏ nơi đây nhưng làm sao mà không cảm thấy tiếc nuối. Từng cảnh vật, con người, bến, chiếc phà mỗi ngày đều gắn bó trong một khoảng thời gian rất dài”.
Thuyền trưởng An cho biết, hiện Cục Quản lý Đường bộ IV và Ban lãnh đạo Cụm Phà Vàm Cống đã sắp xếp công việc mới cho cán bộ, công nhân viên ở đây, hiện mọi người vẫn đang chờ quyết định.
Đề xuất được tiếp tục phục vụ người dân
Ông Lê Văn Mười, Giám đốc Cụm Phà Vàm Cống cho biết, Bến phà Vàm Cống được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20, nằm giữa 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp có nhiệm vụ phục vụ giao thông ở tuyến QL80, vận chuyển hành khách, phương tiện cơ giới và phục vụ việc đi lại của nhân dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, một phần tỉnh Cần Thơ đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại được nhanh chóng. Mỗi bờ có 2 bến, bến chính và bến phụ. Bến có 10 phà, trong đó có 8 phà 200 tấn và 2 phà 100 tấn, tổng số cán bộ, công nhân viên lao động là 162 người.
Từ ngày 19/5, công trình cầu Vàm Cống nối liền tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ khánh thành và đưa vào khai thác, điều này thể hiện sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ tại khu vực ĐBSCL, là sự mơ ước của toàn thể người dân. Đồng thời với đó, hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách, qua bến phà phải tạm dừng lại.
Nói về hoạt động của Bến phà Vàm Cống trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thành, Cục Trưởng Cục Quản lý đường bộ IV đánh giá, đơn vị đã có những đóng góp quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa đôi bờ An Giang và Đồng Tháp, bến đã không xảy ra sai sót, mất ATGT nghiêm trọng, đảm bảo công tác vượt sông.
Theo ông Thành, sau khi Bến phà ngừng hoạt động và trong giai đoạn chờ bàn giao, Cục đề nghị Cụm phà Vàm Cống rà soát, sắp xếp lực lượng bảo vệ các phương tiện phà, bến,… chờ phân bổ về các bến phà khác.
Về công tác nhân sự sẽ bố trí công tác của các cán bộ, công nhân viên theo đúng tâm tư, nguyện vọng.
“Những đồng chí nào có nguyện vọng nghỉ sẽ giải quyết theo đúng quy định. Những người khác sẽ bố trí ở các bến phà khác đảm bảo hợp lí. Một số đồng chí muốn tham gia hoạt động ở các bến phà của địa phương, Cục sẽ trao đổi với các công ty và điều chuyển họ về các bến này”, ông Thành thông tin.
Cục Quản lý Đường bộ IV cũng đã có văn bản trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam, báo cáo Bộ GTVT, bến chính và bến phụ bờ An Giang sẽ bàn giao cho An Giang, bến chính Bến phà phía bờ Đồng Tháp sẽ bàn giao lại cho Đồng Tháp, riêng bến phụ thì sẽ tháo dỡ thu hồi.
“Cục sẽ tiếp tục khảo sát lại ở hai bên bờ An Giang và Đồng Tháp nhu cầu vận chuyển, đi lại của người dân. Để đảm bảo phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Thứ hai tới, đơn vị sẽ có báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép sử dụng các phương tiện nhỏ vận chuyển theo thời gian, duy trì phà nhỏ vượt sông để bà con đi lại được thuận tiện do khoảng cách từ cầu Vàm Cống đi An Giang khá xa”, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV thông tin.