Bộ GTVT vừa có công văn số 2230/BGTVT – ĐTCT gửi Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả; Công ty cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT.
Tại văn bản này, Bộ GTVT đồng ý việc điều chỉnh mức thu phí dịch vụ tại trạm thu phí Bắc Hải Vân theo đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả. Đề xuất này theo Bộ GTVT là phù hợp với quy định tại Thông tư số 60/TT-BGTVT ngày 21/12/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ sử dụng.
Bộ GTVT chỉ đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chịu trách nhiệm về mức thu phí dịch vụ theo đề xuất, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ nguồn thu, thường xuyên cập nhật doanh thu thực tế để xác định thời gian thu phí; cập nhật các chỉ tiêu tài chính liên quan đến Dự án.
Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cũng được yêu cầu phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tốt công tác tuyên truyền và có giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực trạm thu phí.
Vào tháng 3/2021, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh mức thu phí tại trạm thu phí Bắc Hải Vân. So với giá vé hiện hành, mức giá đề xuất đối với xe ô tô loại 1 tăng 40.000 đồng/xe/lượt; xe loại 2 tăng 70.000 đồng/xe/lượt; xe loại 3 là 60.000 đồng/xe/lượt; xe loại 4 là 30.000 đồng/xe/lượt; xe loại 5 là 40.000 đồng/xe/lượt.
Trước đó, tại Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án hầm đường bộ Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT và BT, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh “doanh thu trạm thu phí Bắc Hải Vân nhận chia sẻ với Dự án Phước Tượng - Phú Gia giảm 144 tỷ đồng (chiếm 26% giá trị giảm doanh thu toàn Dự án) do giá vé 10 tháng đầu năm 2019 thấp hơn phương án tài chính, đến nay giá vé đã được điều chỉnh, nhưng giá vé 3 nhóm xe 1,2,3 vẫn thấp hơn phương án tài chính, thấp hơn Mức giá tối đa tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT”.
Do trạm thu phí Bắc Hải Vân là trạm đặt tại vị trí cửa hầm Hải Vân nên vậy người dân có quyền lựa chọn trả phí để đi qua hầm hoặc đi đường đèo không mất phí dịch vụ.
Trước đó vào ngày 11/1/2021, tại khu vực cửa hầm phía Nam thuộc địa phận quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, nhà đầu tư - Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thuộc Tập đoàn Đèo Cả phối hợp cùng Bộ GTVT, các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2 – một trong những hạng mục quan trọng của Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả.
Hầm Hải Vân 2 dài 6,2 km là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư sau khi thực hiện một loạt công trình hầm Đèo Cổ Mã, Đèo Cả, Đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng: “Khi đề xuất dự án này, Đèo Cả ý thức được tầm quan trọng to lớn và những khó khăn thách thức gay gắt phải đối mặt. Đó là những khó khăn về kỹ thuật - công nghệ, về cơ chế chính sách, về nguồn vốn. Chúng tôi xác định đây là một sứ mệnh lịch sử, một trọng trách mang tính thách thức chưa từng thấy đối với Tập đoàn. Tư tưởng xuyên suốt và chi phối toàn bộ quá trình thực hiện dự án của Chủ tịch Tập đoàn là tham gia dự án không chỉ vì lợi nhuận, doanh thu, mà còn vì sự đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, khẳng định năng lực, tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua tranh quốc tế”.
Cùng chuỗi các hầm do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, hầm Hải Vân sau khi đi vào vận hành đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội. Đây là công trình minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh người Việt ngang tầm thế giới trong cuộc đua tranh phát triển ngày càng quyết liệt.
15 năm vận hành, khai thác (từ tháng 6/2005 đến nay), đã có hơn 20 triệu lượt xe qua hầm. Mỗi lần có sự cố như ô tô chết máy va chạm trong hầm là một lần đội quân quản lý vận hành lại phải đóng hầm giải quyết sự cố. Quản lý vận hành đã ứng trực giải quyết tai nạn rất tốt, có những cuộc giải cứu chỉ tính bằng phút. Hải Vân 2 được xem như cuộc“giải cứu” từ trong lòng núi.
Link gốc