Đơn giản hoá thủ tục hải quan, sửa đổi các quy định gây bất lợi cho hoạt động thương mại, tiến hành xã hội hóa kiểm tra chuyên ngành giúp phần cắt giảm chi phí logistics một cách đáng kể.
Hiện tại, các Bộ, ngành đã có những chuyển biến tích cực để thực hiện dịch vụ kiểm tra chuyên ngành theo hướng điện tử hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện tại các dịch vụ kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành chưa kết nối với nhau, chưa kết nối tự động với cơ quan Hải quan. Khi có kết qua kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp vẫn phải in tờ kết quả hoặc thông báo cho Hải quan biết lô hàng kiểm tra chuyên ngành đã có kết quả lúc đó Hải quan mới thông quan.
Ngoài ra, đại lý Hải quan vẫn chưa được thay mặt chủ hàng để ký các văn bản kiểm tra chuyên ngành. “Tồn tại lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí kiểm tra chuyên ngành còn cao. Chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiếm tra chuyên ngành, chưa có quy định công nhận kết quả kiểm tra của các nước xuất khẩu, kể cả xuất xứ từ các nước có trình độ sản xuất tiên tiến như Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa”, Hiệp hội Logisitcs Việt Nam (VLA) nhận định.
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị cần khẩn trương việc rà soát quy định pháp luật liên quan danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan sang giai đoạn sau thông quan.
Đồng thời, nhanh chóng sửa đổi các văn bản pháp luật còn vướng mắc, bất cập, không tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Thực hiện kiểm tra chuyên ngành về kiểm dịch trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Công nhận và chấp nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
“Tiến hành xã hội hóa kiểm tra chuyên ngành, hình thành các cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm tra chuyên ngành tất cả các lĩnh vực tại các cửa khẩu lớn, có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều để tránh tình trạng một mặt hàng phải qua nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành”, VLA đề xuất.
Lấy ví dụ về đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái”, VLA đánh giá đây là một trong những minh chứng về hiệu quả của việc cải tiến các qui trình, thủ tục hành chính sẽ mang lại lợi ích to lớn và giúp phần cắt giảm chi phí logistics một cách đáng kể và cần tiếp tục phát triển ở các hoạt động khác.
Trong đó, điểm nổi bật của đề án là hàng hóa được thông quan ngay tại cầu cảng, hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.
Đồng thời nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa XNK từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận. Việc triển khai đề án sẽ giảm rất lớn các chi phí trong hoạt động logistics.
Các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ GTVT cần công bố chính thức chi phí logistics của Việt Nam hàng năm, làm công cụ giúp cho công tác quản lý và phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung. Qua đó cũng giúp cho dư luận xã hội có cái nhìn đúng về chi phí logistics của Việt Nam. Ở Mỹ, hàng năm chi phí logistics quốc gia được công bố trong Báo cáo về Logistics của Chính phủ Mỹ.
Link gốc bài viết: https://enternews.vn/ha-nhiet-chi-phi-logistics-ky-iv-cai-thien-thu-tuc-hai-quan-xa-hoi-hoa-kiem-tra-chuyen-nganh-187416.html