Theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), từ ngày 01/01/2020, các tàu biển cỡ lớn vận chuyển hàng hóa vượt đại dương phải dùng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, chỉ ở mức 0,5% như dầu MGO (marine gasoil) hay dầu ULSFO (ultra-low-sulfur fuel oil) để thay thế cho loại dầu nặng (bunker) có hàm lượng lưu huỳnh 3,5% đang được sử dụng phổ biến hiện nay nhằm giảm lượng khí thải sulfur-dioxide (SO2) trong hoạt động vận tải biển (ngành vận tải biển toàn cầu hiện chiếm 13% lượng phát thải SO2 toàn cầu mỗi năm). Đã có sự thống nhất trong ngành vận tải biển là khách hàng sẽ chịu phần chi phí nhiên liệu tăng thêm miễn là người vận chuyển (hãng tàu) phải chứng minh rõ ràng, minh bạch chi phí họ phải chịu thêm để tàu hoạt động.
Có thể giá cước vận chuyển bằng tàu biển sẽ tăng vào đầu tháng sau (01/01/2020). Nhiều chủ hàng cho biết sẵn sàng chấp nhận trả chi phí tăng thêm này dưới dạng phụ phí nhiên liệu sử dụng nhiên liệu có độ lưu huỳnh thấp (Low Sulphur Surcharge - LSS)
Theo phản ánh từ một hội viên của VLA, từ tháng 11/2019, các hãng tàu đã có thông báo thu phụ phí LSS. Doanh nghiệp hiểu và thể hiện sự đồng thuận với những quy định của IMO nhằm bảo vệ môi trường. Phụ phí LSS này được áp dụng tại cảng bốc hàng (Port of Loading - POL). Theo đó, tất cả chủ hàng (shipper) gửi hàng từ Việt Nam đi nước ngoài đã và đang đóng các phí này cho các hãng tàu. Tuy nhiên, hiện tại có một số hãng tàu tuyến Trung Quốc về Việt Nam lại thu phí này tại cảng đích (Port of Destination), như hãng tàu SITC & HOIWAH. Tiếp theo là các chủ gom hàng (Master Consolidator/Forwarder) tại Việt Nam, theo yêu cầu của đại lý của họ từ Trung Quốc, lại thu phí này (LSS) từ nhà nhập khẩu Việt Nam để hoàn trả lại toàn bộ cho đại lý tại Trung Quốc.
Hội viên này còn cho rằng việc thu phí LSS tại cảng đích như vậy là sai nguyên tắc vì LSS là phụ phí phát sinh ở cảng đi (POL) và phải được trả bởi các Shipper chứ không phải nhà nhập khẩu. Điều này đã làm tăng chi phí và gánh nặng cho nhà nhập khẩu của Việt Nam. Việc thu phí LSS tại Việt Nam để trả lại cho đại lý bằng hình thức phát hành hóa đơn GTGT (VAT) 10%, như vậy phụ phí này đang được xem như phí tại địa phương (local charge) nên đã làm phát sinh doanh thu đối với doanh nghiệp phát hành hóa đơn, dẫn đến phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài.
VLA cho rằng phụ phí này là một phần của tiền cước, ai trả cước thì người đó phải trả phụ phí này, bất kể là cước trả trước hay trả sau. Trong hội nghị AFFA 29 ngày 29-30/11/2019 vừa qua, đại diện VLA đã trao đổi với đoàn Phi lip pin về vấn đề này và họ có cùng quan điểm với VLA. Ngoài ra, VLA cũng đã báo cáo vấn đề này với ông Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP HCM ngày 28/11/2019.
Các doanh nghiệp cần phải đấu tranh với đại lý ở Trung Quốc; tham khảoý kiến các nhà nhập khẩu Viêt Nam có hàng nhập từ Trung Quốc; hội viên VLA cần tư vấn cho khách hàng khi ký hợp đồng mua bán hàng hóa thì quy định phụ phí này do ai trả (người trả cước phải thanh toán) để ghi rõ lên vận đơn, tạo cơ sở pháp lý để xác định ai phải trả phụ phí LSS.
Nếu có thông tin gì liên quan đến việc thu phí này, Hiệp hội sẽ tiếp tục thông báo để Hội viên được cập nhật.