Ông nhận định như thế nào về mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động ngành logistics nói riêng và nền kinh Việt Nam nói chung? Hiện nay, doanh nghiệp logistics đang gặp phải những khó khăn nào, thưa ông?

Đại dịch COVID-19 bùng nổ từ cuối tháng 01/2020 đã tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu, làm gãy, đảo lộn hệ thống cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics.

Theo khảo sát của VLA, 20% - 50% hoạt động của các Hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu) tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp. Dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Có đến 80% Hội viên VLA là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất và một số doanh nghiệp có thể sẽ phải giải thể nếu đại dịch kéo dài một thời gian nữa. Đại dịch đã cho chúng ta thấy, không nên quá phụ thuộc vào một vài nền kinh tế hàng đầu thế giới trong chuỗi cung ứng, theo đó hoạt động logistics bị tác động theo.

Kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn khi tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, mức thấp nhất trong giai đoạn 10 năm qua (2011 - 2020); Áp lực lạm phát vẫn cao, dù nhiều nhóm hàng hóa giảm giá; Xuất siêu tăng gần 4 tỷ USD, chủ yếu là khu vực FDI, song xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, quý I/2020 chỉ đạt 122,73 tỷ USD; Vốn FDI suy giảm. Tiếp theo sự ngưng trệ thương mại với Trung Quốc là với các nước khác do đại dịch COVID-19 lan truyền cả thế giới. Từ đó đối tượng phục vụ chủ yếu của dịch vụ logistics là sản xuất và xuất nhập khẩu giảm sút đáng kể làm cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics gặp nhiều khó khăn, khó khăn về tài chính thanh khoản và việc làm của người lao động.

Được biết, thời gian qua, VLA đã có nhiều công văn gửi các Bộ, ngành nhằm kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đặc biệt là công văn số 14/VP-HH gửi tới Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3. Vậy các doanh nghiệp hiện nay đã tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như thế nào, thưa ông?

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội đã kịp thời khảo sát, lấy ý kiến của các Hội viên để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh các quyết sách chung về tài khóa và tài chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà mọi doanh nghiệp đang được hưởng lợi như vấn đề giảm giá điện, giá xăng dầu,… thì một số kiến nghị riêng cho ngành logistics đã được các Bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết. Tuy nhiên, các vấn đề về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn ngân hàng, giảm chi phí cho vận tải… doanh nghiệp chưa thực sự được tiếp cận hoặc giải quyết. Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt hơn để kịp thời giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển khi đại dịch kết thúc.

Bất kỳ chính sách nào của Chính phủ đã đưa ra lúc này đều quan trọng đối với sự sống còn của doanh nghiệp, nhưng hữu ích nhất đối với doanh nghiệp dịch vụ logistics là giảm và hoãn các loại thuế, giảm lãi suất vay, cắt giảm các loại phí tác động mạnh đến sự gia tăng của chi phí logistics cho toàn nền kinh tế và đời sống xã hội.

 

Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh, trong giai đoạn tới, doanh nghiệp phải chuẩn bị kế hoạch khôi phục và phát triển kinh doanh hậu COVID-19. Theo ông, các doanh nghiệp logistics cần phải chuẩn bị, thực hiện những gì để tạo đà thúc đẩy phát triển kinh doanh trở lại?

Nhìn ở góc độ khách quan, đại dịch COVID-19 cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nắm bắt cơ hội trong thách thức. Các doanh nghiệp Hội viên cần xem xét lại chiến lược hoạt động, đa dạng hóa thị trường cung cấp dịch vụ, cải tổ bộ máy hoạt động, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh với các chỉ tiêu và biện pháp thực hiện cụ thể trong đó tập trung vào việc huy động vốn kinh doanh, mở rộng sản xuất, hợp tác liên kết trong và ngoài nước để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ…

Khủng hoảng cũng là lúc thị trường sàng lọc các doanh nghiệp theo cơ chế thuận tự nhiên, do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần biết nắm bắt cơ hội để có thể tìm ra con đường hợp tác, khôi phục vượt qua khủng hoảng. Thuận lợi trước mắt là vị thế địa chính trị của Việt Nam, nhất là sau thắng lợi của việc chống đại dịch COVID-19, là việc thực thi EVFTA, CPTPP tạo ra sự phát triển của hàng hóa xuất nhập khẩu và đón dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc của Mỹ, Nhật Bản và các nước EU.

Dự báo về thời gian, khả năng, tốc độ phục hồi của ngành dịch vụ vận tải, logistics trong thời gian tới, ông có ý kiến thế nào về các vấn đề này?

Vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn đồng lòng, cùng các cơ quan chức năng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống, dịch. Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, kinh tế sẽ từng bước được phục hồi và phát triển trở lại. Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo sẽ phát triển mạnh khi các bạn hàng của Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế, thương mại. Đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng sẽ gia tăng khi các nước công nghiệp sẽ chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP và EVFTA được thực thi. Theo đó, ngành dịch vụ vận tải, logistics của chúng ta sẽ phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ hơn thời gian trước đại dịch COVID-19. Đó là hy vọng của tôi.

Xin cảm ơn ông!

Quang Anh

Link gốc bài viết: http://vlr.vn/logistics/chu-tich-vla-kinh-te-viet-nam-se-phuc-hoi-va-phat-trien-6096.vlr

Tin nổi bật