Trong đề án trình HĐND TP.HCM về phương án thu phí cảng biển, Sở GTVT đã đưa ra bảng thu phí, đối tượng thu và thời gian thu phí.
Theo Sở GTVT TP.HCM hiện nay đề án thu phí cảng biển đang được sở lấy ý kiến từ các đơn vị có liên quan.
Theo đó, đối tượng và phạm vi áp dụng bao gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu qua các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Bảng thu phí cảng biển ở TP.HCM được xây dựng trên cơ sở TP Hải Phòng đã xây dựng và thu trước đó. Ảnh: ĐT.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập-tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng TP.HCM.
Bên cạnh đó các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa gửi kho ngoại quan mở tờ khai tại Hải quan ngoài cửa khẩu tại các tỉnh, TP khác nhưng làm thủ tục chuyển cửa khẩu và thực hiện niêm phong hải quan tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan TP.HCM.
Trong đó, các trường hợp được miễn thu phí gồm: Hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Sở GTVT cho biết đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí sẽ giao Cảng vụ đường thủy nội địa - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở GTTV tổ chức quản lý và thu phí.
Mô hình thu phí như sau. Ảnh: ĐT.
Cục Hải Quan TP, các đơn vị kinh doanh cảng sẽ cùng phối hợp hỗ trợ kiểm tra, giám sát việc nộp phí. Các đơn vị không dùng tiền mặt khi thanh toán mà chuyển qua hệ thống 24/7 của Hải quan TP.
Đối với việc sử dụng nguồn thu, Sở GTVT kiến nghị tỉ lệ trích để lại tối đa 5%, giao UBND TP quyết định tỉ lệ cụ thể cho từng đơn vị có liên quan. Việc quản lý, sử dụng tiền phí được trích để lại phục vụ công tác thu phí bảo đảm đúng quy định của Luật phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Số thu nộp vào ngân sách TP: Toàn bộ số thu phí kết cấu hạ tầng sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách TP để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng cảng biển.
Các đơn vị sẽ thực hiện niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên trang thông tin điện tử của các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí về tên phí, mức thu, phương thức thu và các văn bản quy định thu phí.
Thời gian thu phí như sau: Giai đoạn 1 (gồm 5 tháng đầu năm 2021) tổ chức thu phí tại Cảng Cát Lái. Trong thời gian này sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác thu phí tại cảng Cát Lái để triển khai cho các cảng còn lại trên địa bàn TP.
Giai đoạn 2 từ tháng 6-2021 tổ chức thu phí cho toàn bộ các cảng trên địa bàn TP.
Lý do đề xuất thu phí thành hai giai đoạn: Sau khi được HĐND thông qua, thì cần thiết có thời gian bố trí dự toán chi ngân sách để thực hiện công tác thuê tư vấn, lựa chọn nhà thầu cung cấp máy móc thiết bị, phần mềm, nhà thầu cung cấp dịch vụ đường truyền, dữ liệu…Ngoài ra, việc triển khai ngoài thực tế cần thiết phải có giai đoạn hoàn thiện trước khi mở rộng triển khai cho toàn bộ các bến cảng.
Hải Phòng đã áp dụng Theo Sở GTVT TP.HCM thì TP Hải Phòng là đơn vị duy nhất cả nước đã áp dụng mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển để hỗ trợ chi phí đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng của đô thị cảng biển.
Trong những năm qua, với nguồn thu phí này và nguồn ngân sách TP, Hải Phòng đã đầu tư hàng loạt công trình đường bộ phục vụ hạ tầng cảng biển, đơn cử một vài công trình lớn như: Cầu vượt nút giao Lê Hồng phong-Nguyễn Bỉnh Khiêm (300 tỉ đồng), cầu vượt nút giao đường 356 - Nguyễn Bỉnh Khiêm (1.310 tỉ đồng), nút giao Nam Cầu Bính (1.482 tỉ đồng)… và chi phí duy tu bảo trì hàng năm lên đến 1.500 tỉ đồng. Những công trình này đã góp phần cho việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tốt hơn, giảm các chi phí và thời gian vận chuyển do không còn tình trạng ùn tắc giao thông, giúp Hải Phòng vươn lên vị trí số 2 về lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng (chỉ sau TP.HCM) với tốc độ tăng trưởng là 15%/năm. Theo: Báo điện tử Pháp luật TP HCM |