Ngành dịch vụ logistics có vai trò thiết yếu, là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy việc cắt giảm chi phí logistics là một trong những mục tiêu hàng đầu của mỗi doanh nghiệp (DN) và quốc gia. Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, kèm theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2025: “Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP”. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan. Vì là vấn đề quan trọng và cấp thiết cho nên gần đây (2019 - 2020) Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có các đề tài nghiên cứu cấp Bộ về cắt giảm chi phí logistics quốc gia. Trên cơ sở phân tích về tổng quan và hiện trạng của chi phí logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam đã có các khuyến nghị cụ thể cải thiện hệ thống logistics gắn liền với việc cắt giảm chi phí logistics.
Cấu thành cơ bản của chi phí Logistics qua các nghiên cứu chính thức
Chi phí logistics bao gồm các chi phí liên quan đến vận tải, tồn kho và chi phí quản lý hàng hóa trong dây chuyền cung ứng hàng hóa. Thành phần chính của chi phí logistics được xác định là dịch vụ khách hàng, chi phí tồn kho, vận tải, lưu kho bãi, chi phí hệ thống thông tin, xử lý đơn hàng và chi phí chất lượng lô hàng. Chi phí logistics thay đổi tùy theo từng mặt hàng, từng công ty kinh doanh dịch vụ logistics và từng quốc gia, theo đó cách tính chi phí logistics cũng khác nhau. (1) Hiểu một cách ngắn gọn: “Chi phí logistics là tất cả các chi phí liên quan đến việc dịch chuyển một sản phẩm từ khi nguyên vật liệu đến khi giao hàng cho khách hàng và bất cứ các công đoạn ở giữa.”
Chi phí logistics có chi phí logistics của một doanh nghiệp (DN) nói riêng và chi phí logistics của một quốc gia. Bài viết này chỉ đề cập đến chi phí logistics quốc gia.
Vì Chi phí kết cấu hạ tầng chủ yếu là do Chính phủ đảm nhận cho nên khi tính toán người ta thường loại trừ chi phí này ra khỏi chi phí logistics(2). Tùy theo từng cách tính, tựu chung nhiều quốc gia áp dụng cấu thành chính của chi phí logistics bao gồm: Chi phí vận tải (khoảng 60%), Chi phí tồn kho (khoảng 35%) và Chi phí quản lý (khoảng 5%). 5%). Ví dụ tỷ lệ chi phí logistics của Mỹ 2018 là 63%, 33% và 4%.
Ở Việt Nam, đến nay có hai Nghiên cứu tính toán công bố chính thức về chi phí logistics bao gồm: Báo cáo cuối kỳ 2014 “Dịch vụ vận tải tư vấn hỗ trợ Bộ GTVT về Phát triển Vận tải đa phương thức” của Công ty tư vấn ALG, Ngân hàng Thế giới (WB); và Niên giám Thống kế Vận tải và Logistics năm 2018 (NGTK 2018) của Bộ GTVT với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) và sự phối hợp với Diễn đàn GTVT quốc tế (ITF) thuộc OECD (Công bố 2020).
Cách tính của Công ty tư vấn ALG
ALG đã dùng phương pháp tính chi phí logistics cụ thể cho 12 chuỗi ngành hàng (Hàng điện tử và linh kiện; Thiết bị điện; Dệt may; Công nghiệp ô tô; Dược phẩm; Rau quả; Giày dép; Hải sản; Gạo; Cà phê; Đồ uống; Nội thất), rồi nội suy ước tính và rút ra kết luận chi phí logistics quốc gia của Việt Nam tương ứng với tất cả các ngành sản xuất giá trị gia tăng trong nước. Chi phí logistics bao gồm: Chi phí vận tải 59% + Cảng phí 1%, Chi phí tồn kho và Chi phí quản lý 40% (lưu kho, bãi: 11%, xếp dỡ hàng hóa: 21% và đóng gói: 8%). Cách tính này phù hợp với cách tính chi phí logistics của nhiều nước, như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… ALG cũng đưa ra con số cụ thể về chi phí logistics chiếm trong giá thành sản phẩm. Hàng điện tử và linh kiện: 1,2%, Thiết bị điện: 3,5%, Dệt may: 9,3%, Ô tô: 2%; Dược phẩm: 0,3%, Rau quả: 29,5%, Giày dép: 11,7%, Hải sản: 12,2%, Gạo: 29,8%, Cà phê: 9,5%, Đồ uống: 19, 8% và Nội thất: 22,8%. Trên cơ sở tính toán đó, ALG rút ra chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP (2014), trong đó chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%, mức chi phí cao so đối với các nước phát triển ( 3). Hiện nay, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi lớn.
So sánh chi phí logistics cho 10 trong tổng số 12 ngành hàng được nghiên cứu theo báo cáo của ALG vào 2010 và cập nhật số liệu của 2018 có thể thấy khi cơ cấu ngành hàng đã thay đổi thì chi phí Logistics cũng thay đổi theo, cụ thể chi phí Logistics giảm từ 10,70% xuống còn 8,74% cho 10 ngành hàng (2010 - 2018).
Các thành phần chi phí Logistics Việt Nam năm 2014:
Nguồn: ALG report (2014)