Nhờ các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải biển Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn cả về nguồn cung và cầu cũng như các điều kiện để thực hiện hiệu quả dịch vụ này.
Cam kết của Việt Nam về dịch vụ vận tải biển trong EVFTA
Trong EVFTA, các cam kết của Việt Nam liên quan đến dịch vụ vận tải biển bao gồm:
Đối với vận tải biển quốc tế, cam kết EVFTA của Việt Nam mở cửa hoàn toàn đối với phương thức cung cấp qua biên giới và phương thức tiêu dùng ở nước ngoài cho cả dịch vụ vận tải hành khách và dịch vụ vận tải vận tải hàng hóa, trừ vận tải biển nội địa. Riêng đối với phương thức hiện diện thương mại, Việt Nam cho phép nhà đầu tư EU thành lập công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam dưới hình thức liên doanh với điều kiện vốn nước ngoài không quá 70%; thuyền viên quốc tịch nước ngoài không quá 1/3 định biên tàu và thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất là công dân Việt Nam. Khi muốn thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ được cung cấp 07 nhóm dịch vụ gồm: Bán và tiếp thị dịch vụ vận tải biển; Đại diện chủ hàng; Cung cấp các thông tin; Chuẩn bị tài liệu liên quan tới chứng từ vận tải; Cung cấp dịch vụ vận tải biển bao gồm cả dịch vụ vận tải nội địa bằng tàu mang cờ Việt Nam nếu là dịch vụ vận tải tích hợp; Thay mặt công ty tổ chức cho tàu vào cảng hoặc tiếp nhận hàng; Đàm phán và ký hợp đồng vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa liên quan tới hàng hóa do công ty vận chuyển.
Dịch vụ bảo trì và sửa chữa tàu biển được mở cửa hoàn toàn đối với phương thức cung cấp qua biên giới và phương thức tiêu dùng ở nước ngoài; riêng phương thức hiện diện thương mại, Việt Nam chỉ cho phép thành lập liên doanh với vốn nước ngoài chiếm đến 70%.
Đối với dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, Việt Nam chưa cam kết đối với phương thức cung cấp qua biên giới nhưng mở cửa hoàn toàn đối với phương thức tiêu dùng ở nước ngoài cho cả dịch vụ xếp dỡ container và dịch vụ thông quan; đồng thời chỉ cho phép thành lập liên doanh vốn nước ngoài đến 50% đối với dịch vụ xếp dỡ container và không hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài cho dịch vụ thông quan. Riêng dịch vụ đại lý hàng hải, Việt Nam cam kết mở cửa hoàn toàn đối với hai phương thức cung cấp qua biên giới và tiêu dùng ở nước ngoài; nhưng chỉ được phép thành lập liên doanh vốn nước ngoài đến 49%. Đặc biệt, dịch vụ kho bãi container có mức cam kết mạnh nhất khi cho phép mở cửa hoàn đối cả ba phương thức cung cấp qua biên giới, tiêu dùng ở nước ngoài và hiện diện thương mại tại Việt Nam cho các doanh nghiệp EU.
Đối với dịch vụ vận tải thủy nội địa, trong EVFTA, Việt Nam vẫn loại trừ vận tải biển nội địa khỏi phạm vi cam kết dịch vụ vận tải biển, qua đó giữ thị trường vận tải biển nội địa cho các hãng tàu và doanh nghiệp vận tải Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có một cam kết cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế EU: (1) Tái phân phối container rỗng (với điều kiện container đó không được vận chuyển có tính phí dưới dạng hàng hóa vàsẽsửdụngđểxửlýhànghóacủahãngtàuđó) giữa cảng Quy Nhơn và cảng Cái Mép - Thị Vải. Sau 5 năm thì giới hạn về các cảng được loại bỏ nhưng kèm điều kiện là các tàu gom hàng (tàu mẹ) phải ghé cảng biển Việt Nam và cung cấp dịch vụ gom hàng bằng tàu giữa cảng Quy Nhơn và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Cơ hội và thách thức đối với dịch vụ vận tải biển Việt Nam
Nhờ các cam kết trong EVFTA, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải biển Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn cả về nguồn cung và cầu cũng như các điều kiện để thực hiện hiệu quả dịch vụ này.
Cơ hội gia tăng quy mô thị trường dịch vụ vận tải biển: EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển đạt 30,31tỷ USD, chiếm 53,69%. Đồng thời theo dự báo, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025; con số tương ứng vào năm 2030 là 44,37% và 36,7%. Khi hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng tăng trưởng thì thị trường dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ vận tải biển.
Cơ hội tăng hiệu quả kinh doanh dịch vụ vận tải biển từ cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ: Để thực hiện được các cam kết về thể chế và hàng rào phi thuế quan theo yêu cầu của EVFTA, chính phủ Việt Nam sẽ phải tiến hành cải cách thủ tục hành chính như thủ tục hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành... Nhờ đó có thể cải thiện đáng kể nhiều hoạt động logistics, bao gồm cả dịch vụ vận tải và hỗ trợ vẫn tải, trong đó có vận tải biển.
Cơ hội giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng vận tải biển: EU luôn là một nguồn cung cấp chất lượng cao cho các loại phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics. Do đó, những cam kết xoá bỏ thuế quan của Việt Nam cho các loại phương tiện, thiết bị nhập khẩu từ EU là cơ hội để doanh nghiệp vận tải biển có thể tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ logistics và cải thiện năng lực công nghệ.
Cơ hội thu hút đầu tư từ EU vào lĩnh vực vận tải biển: Việc mở cửa rộng hơn thị trường dịch vụ vận tải biển trong khuôn khổ EVFTA sẽ thúc đẩy các công ty logistics EU đầu tư vào thị trường Việt Nam. Khi liên doanh với các đối tác EU, những nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển Việt Nam sẽ tận dụng được kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam phát triển trong tương lai.
Ở một góc độ khác, EVFTA cũng đặt các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trước những thách thức không nhỏ. Bởi, EU có nhiều quốc gia vốn rất mạnh về logistics với những đội tàu lớn, hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường vận tải biển thế giới. Các cam kết mở cửa mạnh mẽ trong EVFTA sẽ khiến cho sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp của EU với doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam ngày càng gay gắt. Mặc dù EU cũng mở cửa thị trường dịch vụ logistics, trong đó có dịch vụ vận tải biển cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng tiếp cận thị trường EU của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam là không cao.
Vì thế, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có kế hoạch khắc phục các hạn chế hiện tại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nắm rõ các cam kết mở cửa dịch vụ logistics của EVFTA để nhận diện các nguy cơ mới trong cạnh tranh với các đối thủ từ EU.
Theo VLR.