Một trong những tồn tại lớn, khiến sức cạnh tranh của hàng Việt giảm không chỉ ở thị trường nước ngoài mà cả trong nước, là chi phí vận chuyển quá cao. Việc này cần được khắc phục ngay, khi hàng loạt các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước có hiệu lực.
Chưa đi vào thực tế
Lập sàn giao dịch vận tải là ý tưởng tốt và ý tưởng này đã được các cơ quan chức năng hy vọng sẽ thu hút sự tham gia của cả chủ hàng lẫn chủ phương tiện. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết sàn giao dịch vận tải thông qua trang web và cả app đã không thành công, số người dùng khá ít. Thậm chí nhiều sàn đã ngừng hoạt động.
Sàn giao dịch vận tải hàng hóa VinaTrucking chính thức hoạt động từ tháng 12-2015, được các nhà sáng lập kỳ vọng giúp chủ hàng tiết kiệm 30% cước phí vận chuyển và giúp nhà xe tăng thêm ít nhất từ 30%-50% doanh thu, giảm tình trạng lãng phí vì có tới gần 50% xe chạy rỗng do thiếu hàng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, trên sàn giao dịch VinaTrucking chỉ có 23 mã xe đăng ký tìm hàng.
Trong đó, có 4 mã CX-1274, CX-1275, CX-1276, CX-1277 đăng ký loại xe container từ Bình Dương đi Phú Quốc cùng ngày 31-1-2018 và ngày kết thúc 28-10-2020. Một số mã xe khác đăng ký đi từ Hải An, Hải Phòng đến Việt Trì, tỉnh Phú Thọ từ ngày 31-10-2016 ngày kết thúc là 30-10-2020… Trong khi đó, mục danh sách lô hàng cần vận chuyển không có mã nào. Điều này chứng tỏ, xe có đăng ký nhưng nguồn hàng không có, nghĩa là sàn không thực hiện được giao dịch nào cho chủ xe.
Cùng lúc, sàn giao dịch sanvanchuyen.vn, con số thống kê được đưa trên trang web vào thời điểm ngày 18-2-2019 là có 805 công ty vận tải đã đăng ký; số giao dịch là 202; số tiền giao dịch qua sàn là 505 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại trang web của sàn này lúc vào được, lúc không.
Mũi tên chưa trúng đích
Theo ông Trần Anh Tuấn, chủ doanh nghiệp (DN) có 158 đầu xe tải, xe container chuyên vận chuyển trái cây từ miền Nam đi các tỉnh phía Bắc, có nhiều vấn đề tế nhị mà DN không tiện nói ra, nhưng mấu chốt là sàn giao dịch vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà xe.
Còn ông Trần Thanh Tài, giám đốc một DN vận tải tại TPHCM cho biết, sau một thời gian tham gia trên sàn mới thấy hạn chế của sàn giao dịch vận tải là thiếu những DN có uy tín và thương hiệu. Nhiều thông tin DN đưa lên sàn không kiểm soát được. Hàng hóa vận tải thường có giá trị rất lớn, nếu xảy ra mất mát, ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM, nhiều thành viên trong hiệp hội đã tham gia sàn vận tải. Thế nhưng, nhiều khách hàng giao dịch trên sàn đưa ra giá chưa hợp lý. Đã vậy, thủ tục thanh toán còn rườm rà nên nhiều DN không giao dịch trên sàn nữa. Chưa hết, phần lớn các sàn giao dịch do một số công ty tư nhân thiết lập với mục đích làm dịch vụ hưởng % hoa hồng là chính. Các vấn đề liên quan đến pháp lý, thủ tục giao dịch giữa chủ hàng và chủ xe, các công ty này “né” hết. Như vậy, nếu có rủi ro ai chịu trách nhiệm?
Trước các ý kiến của DN vận tải, ông Tạ Công Thuận, Tổng giám đốc Sàn vận tải Vinatrucking, cho rằng, một hai năm đầu, bình quân mỗi ngày sàn có 300 - 400 lượt truy cập và đơn vị tiếp nhận, xử lý hàng chục đơn hàng. Tuy nhiên, sau khi đã “biết nhau” chủ xe và chủ hàng tự thỏa thuận, không thông qua sàn nữa. Đây là giao dịch kinh tế, hai bên tự thỏa thuận, không có cơ chế nào ràng buộc, cũng không có biện pháp chế tài nên sàn cũng không thể làm gì được. “Để sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, cần hình thành chuỗi logistics, vừa là chủ hàng vừa kết nối được xe. Chỉ có mỗi cái sàn giao dịch đứng trung gian, chưa khả thi”- ông Thuận nói. Khi được hỏi có tiếp tục duy trì sàn vận tải hay không, ông cho hay “chúng tôi cũng đang xem xét việc này”.
Khách quan, nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, Nhà nước cần có thêm cơ chế hỗ trợ như tuyên truyền, xây dựng hành lang pháp lý cho sàn hoạt động. Thời gian qua, đa số các giao dịch giữa chủ hàng với chủ xe được thực hiện theo phương thức cũ, gắn kết một cách ổn định và đều có những lợi ích nhất định với nhau. Chính vì vậy, việc thay đổi phương thức, đưa các giao dịch này lên sàn là điều không dễ, cần có thời gian và sự hỗ trợ của công cụ quản lý để các DN làm quen hình thức mới, tạo động lực trong thời gian đầu.
Quốc Hùng
Link gốc bài viết: https://www.sggp.org.vn/diu-hiu-san-giao-dich-van-tai-677474.html