Trong khi các doanh nghiệp vận tải du lịch biển chịu ảnh hưởng toàn diện gần như ngay lập tức khi dịch Covid-19 bùng phát và chịu cảnh nằm bờ, thì các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn có sự tăng trưởng, dù mức tăng chậm.

Vận tải hành khách “đóng băng”

Chịu cảnh tương tự như các hãng hàng không, lượng tàu khách và tàu du lịch (hành khách và quốc tế) thông qua cảng biển cũng rơi vào tình trạng "đóng băng" ngay khi dịch Covid-19 ập đến từ đầu năm nay. Tình cảnh một tàu du lịch quốc tế lớn bị từ chối cập cảng Đà Nẵng hồi cuối tháng 2, cộng thêm các quy định chặt chẽ về việc giới hạn và kiểm soát lượng khách quốc tế nhập cảnh tại nhiều quốc gia nhằm phòng chống dịch Covid-19  đã khiến nhiều tàu du lịch quốc tế lớn cắt giảm hải trình du lịch, trong đó có điểm đến Việt Nam.

Tàu khách du lịch quốc tế đến cảng sụt giảm mạnh. Tháng 3 vừa qua chỉ có hai tàu cập cảng (bằng 1,6% so với cùng kỳ năm trước), còn lượt hành khách quốc tế trong quí 1 chỉ đạt 1.656 người, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái 2019, theo thông báo của Cục Hàng hải Việt Nam.

Đến thời điểm này, do tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp nên các hãng tàu vẫn chưa có kế hoach đưa khách trở lại và Việt Nam đồng thời cũng chưa có kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế đường biển nên khó khăn với ngành vận tải du lịch biển chưa dừng.

Ở chiều ngược lại, lượng vận tải hàng hóa thông qua các cảng bằng đường biển có sụt giảm nhưng vận hành theo hướng tăng chậm lại so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, khối lượng hàng hóa thông qua cảng trong qúi 1 năm 2020 này đạt 159 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ; trong đó hàng container hơn 5 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.

Bộ GTVT cho biết, việc khai thác tàu hàng tổng hợp đang hoạt động tuyến nội Á, Đông Nam Á gặp khó khăn nên các chủ tàu Việt Nam đã đưa tàu về Việt Nam khai thác, dẫn đến sự cạnh tranh trực tiếp đối với đội tàu nội địa.

Vận tải thủy nội địa cũng gặp khó về kênh vận tải du khách. Do các địa phương thực hiện dừng hoạt động vận tải hành khách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, muốn vận chuyển phải báo cáo nên hầu như hoạt động vận tải thủy hành khách cũng dừng. Tuy nhiên, vận tải thủy nội địa qúi 1 về hàng hóa đạt 73,8 triệu tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hóa thua lỗ

Theo đánh giá của một số tổ chức, đơn vị nghiên cứu ngành hàng hải, trong khoảng 3 tháng đầu năm nay, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán, ngành vận tải biển thế giới đã sụt giảm hơn 1,7 triệu TEUs. Giá cước vận tải đường biển trung bình tiếp tục sụt giảm tới 80% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Dịch lây lan và kéo dài trên nhiều quốc gia đã tác động mạnh vào các hoạt động dịch vụ hàng hải của đội tàu Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ GTVT, doanh thu hợp nhất hết quí 1 năm nay của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) giảm khoảng 626 tỉ đồng, ước tính số tiền lỗ hợp nhất ở khoảng 113 tỉ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết năm nay, doanh thu của công ty mẹ Vinalines sẽ giảm cả năm gần 300 tỉ đồng so với quí 1 và tổng tiền lỗ cuối năm khoảng 76 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco), doanh nghiệp thành viên của Vinalines, từ lâu được coi là doanh nghiệp mạnh trong ngành vận tải biển nội địa mới vừa có một năm 2019 thắng to lại tiếp tục chìm vào cảnh điêu đứng. Trong quí 4-2019, Vosco lãi sau thuế gần 194 tỉ đồng, tăng gần 60% so cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã giúp Vosco bù hết số lỗ trong cả 3 quí trước và lãi sau thuế 51 tỉ đồng (cả năm 2019), gấp gần ba lần so năm 2018 (17 tỉ đồng).

Thế nhưng, Covid-19 đã làm nghiêng ngả mọi kế hoạch của Vosco trong năm 2020. Báo cáo tài chính hết quí 1 của công ty cho biết họ lỗ 86,4 tỉ đồng trong quí 1 và doanh thu sụt giảm khoảng gần 80 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động vận tải biển ngưng trệ do nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và gần đây là thị trường châu Âu, Mỹ khiến cho chi phí tăng mạnh dù trên thực tế tàu không có hàng để vận chuyển ngưng trệ.

Hệ thống các cảng của Vinalines và các cảng tư nhân đều bị ảnh hưởng do các tàu hủy lịch không đến hoặc neo chờ thậm chí lên đến 10 ngày. Hoạt động kho bãi giảm sản lượng khoảng 40% so với cùng kỳ. Vinalines cho biết, hầu hết đội tàu không đủ việc làm dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì, chi phí lưu kho tăng cao.

Hiện nay, nhằm giảm bớt chi phí duy trì cho tàu nằm không, một số tàu của Vosco đang hoạt động chở hàng clinker cầm chừng. Tuy nhiên, giá cước vận tải clinker đang giảm rất sâu. Cùng kỳ năm trước, giá cước còn dao động quanh mức 9-9,5 đô la Mỹ/tấn, nhưng hiện nay đã giảm khoảng 30-40%. Giá cước lao dốc trong khi theo quy định của IMO, tàu phải sử dụng nhiên liệu mới (hàm lượng lưu huỳnh 0,5%), chi phí tăng gấp hai lần giá nhiên liệu cũ.

Hàng container nội địa trên tuyến Bắc - Nam đang giảm mạnh khoảng 20-30% chiều từ Hải Phòng vào TPHCM; giá cước cũng giảm 10-20%. Hàng gom từ các cảng khác về cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu cũng đang giảm khoảng 30-40% khiến một loạt các tàu feeder (tàu gom hàng) trong cảnh “đói hàng”. Riêng mặt hàng khô, do các nhà máy, công trình xây dựng tạm dừng nên nhu cầu về nguyên vật liệu giảm sâu, giá cước cũng giảm theo.

Ở thị trường quốc tế, hàng loạt các nước từ Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản,… cũng bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề, phải đóng cảng, khiến tình trạng tàu nằm chờ để dỡ/lấy hàng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vosco đang có 5-7 tàu phải nằm chờ các cảng ở Ấn Độ, Banglades, Philippines,… mở cửa để vào làm hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, từ giữa đến cuối quí 2 này, Vosco buộc phải cho một số tàu nằm bờ để giảm gánh nặng chi phí.

L.Nhi

Link gốc bài viết: https://www.thesaigontimes.vn/td/303439/tau-nam-bo-van-tai-bien-nghieng-nga-trong-bao-covid-19-.html

Tin nổi bật